CHƯƠNG
1
MIỀN BẮC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ
HỘI, MIỀN NAM ĐẤU TRANH
CHỐNG CHẾ ĐỘ MĨ - DIỆM (1954 - 1960)
1. Tình
hình Việt Nam sau Hiệp định
Giơ - ne - vơ và nhiệm vụ cách mạng trong thời kì mới
1.1. Tình hình Việt Nam sau Hiệp định Giơ -
ne - vơ
1.1.1. Miền Bắc
Sau khi Hiệp
định Giơ - ne - vơ được kí kết, thực dân Pháp cố tình trì hoãn rút quân. Ta đã
đấu tranh buộc quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội vào ngày 10 tháng 10 năm 1954.
Đến ngày 22/5/1955, quân Pháp hoàn toàn rút khỏi miền Bắc nước ta.
Tuy nhiên,
trong khi rút quân, thực dân Pháp đã tìm cách gây khó khăn và phá hoại việc thi
hành hiệp định: chúng đã phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế ở miền Bắc, đồng thời
chúng cùng với Mĩ – Diệm dụ dỗ, cưỡng bức gần một triệu đồng bào Công giáo vào
miền Nam.
Ngày
01/01/1955, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Hà Nội.
Nhân dân miền Bắc đã tổ chức một cuộc Mitting trọng thể chào mừng sự kiện trọng
đại này.
1.1.2. Miền Nam
Theo quy định
của Hiệp định Giơ-ne-vơ, ở khu vực Trung Nam bộ, lực lượng cách mạng sẽ tập kết
tại Cao Lãnh và chuyển ra miền Bắc trong thời hạn 100 ngày; (Ở khu vực Tây Nam
bộ, lực lượng cách mạng tập trung kết tại Cà Mau và di chuyển ra miền Bắc trong
vòng 200 ngày; ở Đông Nam bộ, địa điểm tập kết là Hàm Tân (nay thuộc Tỉnh Bình
Thuận) và Xuyên Mộc (nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với thời hạn 80 ngày). Chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh việc đình
chiến, tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực.
Trước khi Hiệp định được kí kết, Mĩ đã ép
Pháp phải đưa tay sai của Mĩ là Ngô Đình Diệm vào chính phủ Bảo Đại. Hai ngày sau khi hiệp định được
kí kết, ngoại trưởng Mĩ đã tuyên bố can thiệp vào miền Nam Việt Nam để “ngăn chặn sự bành trướng của Chủ nghĩa
cộng sản ở Đông Nam Á”.
Ngày 14 tháng 5 năm 1956, Chính phủ Pháp thông báo
sẽ rút hết quân viễn chinh ở miền Nam
về nước. Chúng trút bỏ trách nhiệm thi hành nhiều điều khoản còn lại của hiệp
định, trong đó có việc tổ chức tổng tuyển cử ở hai miền Nam Bắc cho chính quyền
Ngô Đình Diệm.
=> Miền
Nam rơi vào tay đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai.
1.2. Nhiệm vụ cách mạng ở hai miền Nam - Bắc
Những âm mưu của Mĩ – Diệm ở miền Nam đã đưa đất
nước đứng trước nguy cơ bị chia cắt lâu dài; miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng,
miền Nam rơi vào tay đế quốc Mĩ. Trước tình thế đó, Đảng ta đã đề ra hai nhiệm
vụ cách mạng khác nhau cho hai miền:
Miền Bắc:
chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm hoàn thành cải cách ruộng
đất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế… xây dựng miền Bắc thành
căn cứ địa cách mạng của cả nước và hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến
chống Mĩ cứu nước.
Miền Nam: Tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mĩ, tiến đến giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất
đất nước.
Hai nhiệm vụ
trên tuy khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích chung là đánh đổ đế quốc Mĩ và tay
sai của chúng để đi đến thống nhất đất nước. Trong đó, miền Bắc giữ vai trò là
hậu phương, đảm bảo cho sự thắng lợi của toàn cuộc cách mạng; miền Nam là tiền tuyến trực tiếp đương đầu với đế
quốc Mĩ và tay sai.
2. Miền
Bắc hoàn thành cải cách ruộng đất, tiến hành khôi phục kinh tế và cải tạo xã
hội chủ nghĩa (1954 – 1960)
2.1. Thực trạng kinh tế - xã hội miền Bắc
sau năm 1954
Theo hiệp định
Giơnevơ, thực dân Pháp có 300 ngày để tập kết và di chuyển quân ra khỏi miền
Bắc nước ta. Trong quá trình chuyển quân, chúng đã phối hợp với đế quốc Mĩ và
tay sai ra sức phá hoại miền Bắc:
Xuyên tạc và
bịa đặt rằng: "Chính phủ Việt minh cấm đạo”, "Chúa đã vào Nam" để dụ dỗ và cưỡng bức gần 1 triệu đồng
bào công giáo di cư vào miền Nam.
Phá hoại, di
chuyển các tài sản, vật tư, máy móc, đốt hoặc mang theo những tài liệu, hồ sơ,
đóng cửa các nhà máy, hãng buôn, trường học nhằm gây khó khăn cho ta sau này.
Cài lại gián
điệp gây ra những vụ phá rối trật tự, trị an ở Bùi Chu (Nam Định), Phát Diệm
(Ninh Bình), Ba Làng (Thanh Hoá), Diễn Châu (Nghệ An), Chiềng Nội (Hoà Bình),
Pu Nhí (Thanh Hoá),…
Cho nổ mìn phá
hoại các công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hoá như: Chùa Một Cột, cầu
Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), nhà máy điện Uông Bí,..)
Trước những âm
mưu trên của kẻ thù, nhân dân miền Bắc, nhất là nhân dân những vùng sắp tiếp
quản đã tiến hành các cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo vệ trật tự, an ninh, bảo
vệ máy móc, tài sản, chống cưỡng ép đồng bào di cư…
Tại Hà Nội,
trong 80 ngày tập kết chuyển quân của Pháp, chính quyền cách mạng đã lãnh đạo
quần chúng nhân dân thủ đô đấu tranh chống lại các hoạt động phá hoại của địch
như: công nhân nhà máy điện Yên Phụ, Bờ Hồ, nhà máy nước, nhà máy xe lửa Gia
Lâm, ga Hàng Cỏ… đấu tranh giữ máy móc, thiết bị, bảo đảm điện nước phục vụ
nhân dân; nhân viên công chức các công sở, trường học, bệnh viện tìm đủ mọi
cách để giấu thuốc men, tài liệu, không cho địch đốt, phá, mang đi.
Tại Hải Phòng
và Quảng Ninh - vùng 300 ngày chuyển quân, các tầng lớp nhân dân đã đấu tranh
quyết liệt chống lại những hành động phá hoại của địch, tiêu biểu như cuộc đấu
tranh chống tháo dỡ nhà máy nước Hải Phòng, cuộc đấu tranh chống tháo dỡ thiết
bị mỏ than Hồng Gai….
Hàng ngàn cán
bộ Đảng viên đã vận động quần chúng chống lại sự cưỡng bức di cư của kẻ thù,
kết quả là hàng vạn đồng bào chuẩn bị ra đi và hàng ngàn người đã ra đi đã nhận
ra âm mưu của địch nên đấu tranh đòi quay trở lại.
Nhờ có những
biện pháp đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả, công tác tiếp quản miền Bắc diễn
ra một cách tốt đẹp:
Từ cuối tháng
7 đến đầu tháng 8/1954, ta tiếp quản xong các vùng nông thôn.
Ngày
10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng; ngày 01/01/1955 hàng vạn
người dân thủ đô Hà Nội tiến hành cuộc mitting tại Ba Đình chào đón Bác và
Trung ương trở về thủ đô Hà Nội.
Ngày
13/5/1955, Hải Phòng giải phóng, đến 16/5/1955 tên lính viễn chinh cuối cùng
của thực dân Pháp đã rút khỏi miền Bắc nước ta (Cát Bà) đánh dấu sự giải phóng
hoàn toàn của miền Bắc nước ta.
Cùng với công
tác tiếp quản, chính quyền cách mạng còn lo đón tiếp và bố trí công việc, học
tập cho 120.000 cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết, tiếp nhận hơn
60.000 cán bộ, quân nhân và đồng bào yêu nước bị Pháp bắt trong kháng chiến,
trao trả cho ta và trao trả cho Pháp hơn 9.000 tù binh do ta bắt giữ. Mặt khác
ta còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn binh lính ngụy và nhân viên
chính quyền cũ để ổn định xã hội…
Nền kinh tế
miền Bắc vô cùng khó khăn sau chiến tranh:
Nông nghiệp:
bị thiệt hại nặng nề: 1.430.000 ha đất bị bỏ hoang ở 8 công trình thủy nông lớn
và nhiều công trình nhỏ bị phá hủy; phần lớn ruộng đất làm một vụ, năng suất
thấp, kỹ thuật thô sơ ….
Công nghiệp:
Phần lớn nhà máy, xí nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; nguyên
nhiên liệu, máy móc thiếu nghiêm trọng
Giao thông
vận tải: chỉ có hơn 100km đường sắt Hà Nội - Hải Phòng còn hoạt động, 3500
cầu cống bị phá hủy, phương tiện vận tải thiếu thốn …
Thương
nghiệp: bị đình đốn, nạn đầu cơ, nâng giá diễn ra phổ biến, hàng hóa khan
hiếm, tiền tệ chưa thống nhất …
Văn hóa - xã
hội, giáo dục, y tế: Hàng triệu người mù chữ nạn đói tràn lan, thất nghiệp,
y tế lạc hậu, dịch bệnh nhiều và hoành hành khắp nơi.
Thực tế trên
đang đặt ra cho Đảng và nhà nước những thách thức lớn sau khi tiếp quản miền
Bắc.
2.2. Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế (1954 - 1957)
Sau khi miền
Bắc được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành cải tạo ruộng đất. Theo quan
điểm của Đảng lúc này thì: "có đẩy mạnh cải cách ruộng đất mới đoàn kết
được lại đa số nhân dân, cũng cố được công - nông liên minh, cũng cố vai trò
lãnh đạo của Đảng, mới có thể khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng và có thêm
điều kiện tăng cường quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng"[12: 210].
Cải cách ruộng
đất được Đảng và Nhà nước ta tiến hành từ cuối năm 1953 bằng đợt thí điểm đầu
tiên ở 6 xã thuộc Đại từ - Thái Nguyên.
Công cuộc cải
cách ruộng đất được đẩy mạnh nhằm chia ruộng đất cho nông dân và xóa bỏ sở hữu
ruộng đất của địa chủ. Tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, ta đã tiến hành 5
đợt cải cách:
Đợt 1:
Từ 25/12/1953 đến 30/3/1954: làm thí điểm ở xã thuộc huyện Đại Từ Thái Nguyên
Đợt 2:
Từ 23/10/1954 đến 15/1/1955 ở 210 xã thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc
Giang Thanh Hóa.
Đợt 3:
Từ 18/2/1955 đến 20/6/1955 ở 466 xã thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh
Phúc, Sơn Tây, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đợt 4:
Từ 27/6 đến 31/12/1955 ở 859 xã thuộc tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc
Ninh, Sơn Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đợt 5:
Từ 25/12/1955 đến 30/7/1956 ở 1.720 xã thuộc 20 tỉnh và 2 thành phố Hà Nội và
Hải Phòng, trong đợt 5, ta đã tịch thu, trưng thu, trưng mua của địa chủ
334.000 ha ruộng đất và chia cho nông dân.
Kết quả của 5
đợt cải cách như sau: ta đã tịch thu, trưng thu, trưng mua 810.000 ha ruộng
đất, 106.448 trâu bò, 148.565 ngôi nhà và 1.846.000 nông cụ các loại do giai
cấp địa chủ chiếm giữ chia cho 2.104.138 hộ nông dân lao động (chiếm khoảng
72,8% số hộ ở nông thôn miền Bắc).[43: 136] Thắng lợi này đã tạo tiền đề
cho sự củng cố và phát triển của miền Bắc về mọi mặt.
Tuy nhiên, đợt
cải cách ruộng đất thứ 5 sắp kết thúc, nhiều đơn, thư kêu oan của những cán bộ
cách mạng bị qui sai đã đến Trung ương và Bác Hồ, giúp cho Đảng nhận ra được
những sai lầm trong quá trình thực hiện cải cách. Ngay lập tức, Đảng đã chỉ thị
phải sửa chữa sai lầm; ngày 18/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi thư tới đồng
bào nông thôn và cán bộ Đảng viên nêu rõ những thắng lợi to lớn của cải cách
ruộng đất và những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện.
Những sai lầm
trên đã gây tổn thất lớn cho nhân dân và hạn chế thành quả của cải cách. Văn
kiện Đảng viết "đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về
nhiều mặt,... những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu
được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền,
của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách, mặt trận của Đảng
ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình
thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến
tinh thần đoàn kết[13: 439,440].
Nguyên nhân sâu
xa của những sai lầm trên là do không nắm vững vấn đề dân tộc và giai cấp ở
nước ta, áp dụng máy móc kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam một cách đơn giản.
Để khắc phục
những hậu quả trên, Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng (9/1956) đã chủ
trương: "kiên quyết sửa chữa những sai làm trong cải cách ruộng đất và
chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được … Nhặm đoàn
kết nội bộ, đoàn kết nhân dân…"[13: 558] và đã đề ra một loạt các
biện pháp như khôi phục danh dự, quyền lợi cho những người bị xử oan, thi hành
kỷ luật một số cán bộ có trách nhiệm…
Với thái độ
nghiêm khắc, tích cực và thận trọng, đến cuối năm 1957, việc sửa sai cơ bản đã
hoàn thành; trong số 63.113 hộ bị quy là địa chủ trong cải cách ruộng đất ở
đồng bằng và trung du Bắc bộ có 31.844 hộ đã được sửa sai, không bị qui là địa
chủ nữa; hay ở khu tự trị Việt Bắc, trong 2245 hộ bị quy là địa chủ có 1861 hộ
được sửa sai. Công tác sửa sai đã dần dần củng cố được lòng tin của nhân dân
đối với Đảng, làm ổn định chính trị, giữ vững được trật tự, trị an, củng cố
khối đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh việc
thực hiện những nhiệm vụ trên, Đảng và nhà nước còn đứng trước một thực trạng
về kinh tế vô cùng khó khăn sau chiến tranh. Trước tình hình đó, Đảng và nhà
nước ta đã chủ trương tập trung mọi nỗ lực để hàn gắn vết thương chiến tranh,
khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, ổn định và bước đầu nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân:
Thứ nhất, nông
nghiệp được coi là lĩnh vực then chốt cần được phục hồi và phát triển. Nhân dân
đã khôi phục sản xuất trên những vùng đất bỏ hoang, củng cố hệ thống thủy nông,
đê điều, đẩy mạnh sản xuất phân bón, gầy dựng lại số trâu bò bị thiệt hại trong
chiến tranh, cải tiến nông cụ, phương thức canh tác …
Đến năm 1956,
miền Bắc sản xuất hơn 4 triệu tấn lương thực (Năm 1939 là 2,5 triệu tấn đến năm
1957, 125.000/144.300 ha ruộng hoang đã được sản xuất trở lại, 8 hệ thống thủy
nông lớn được khôi phục … nạn đói giáp hạt được đẩy lùi.
Thứ hai, trong
công nghiệp, ta đã khôi phục được 29 xí nghiệp cũ, xây mới 55 xí nghiệp mà chủ
yếu là trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Kết quả: giá
trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng từ 28 tỷ đồng năm 1955 lên 232
tỉ đồng năm 1957.
Thứ ba, về giao
thông vận tải: nhà nước đã đầu tư khá lớn cho lĩnh vực giao thông vận tải và
bưu điện: Năm 1954 dành 54.4% tổng số vốn đầu tư cho xây dựng và kiến thiết cơ
bản, năm 1956 giảm xuống 28.4%, đến 1957 là 20.9%.
Nhờ được đầu tư
lớn, giao thông vận tải được khôi phục nhanh chóng: khôi phục 657km đường sắt,
168 cầu cống trong 3 năm từ 1955 đến 1957; đường bộ khôi phục được 1624 km, sửa
chữa lớn 1.660km, làm mới 600km đường trục chính …
Thứ tư, về
thương nghiệp nhà nước đẩy mạnh phát triển mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã
mua bán; ngoại thương đúng nghĩa kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành
lập đến thời điểm này.
Thứ năm, các
ngành văn hóa, giáo dục, y tế phát triển nhanh chóng:
Từ năm 1955 đến
1957, miền Bắc có hơn 1 triệu người thoát nạn mù chữ, số người được bổ túc văn
hóa cấp 1 và cấp 2 tăng nhanh; năm học 1956 - 1957, miền Bắc có 606.000 học
sinh vỡ lòng, 952.000 học sinh phổ thông, 3.664 sinh viên. [28: 144]
Năm 1957, miền
Bắc có 55 bệnh viện, 13 viện điều dưỡng, 85 bệnh xá, 19.700 giường bệnh, 362
nhà hộ sinh, 5130 ban phòng bệnh, nhiều bệnh xã hội, truyền nhiễm bị đẩy lùi. [28:
144]
Tàn dư văn hóa
tư sản, phong kiến lạc hậu từng bước bị đẩy lùi, những thói hư, tật xấu, mê tín
dị đoan trong xã hội được dẹp bỏ.
Ngoài ra Đảng
ta chỉnh đốn và dẹp yên những tư tưởng lệch lạc của nhóm "nhân văn",
“giai phẩm”, ổn định tình hình chính trị tư tưởng của miền Bắc.
Đánh giá những
kết quả đạt được sau ba năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, Chủ tịch Hồ
Chí Minh nhận định: "nhân dân ta ở miền bắc đã ra sức khắc phục khó khăn
lao động sản xuất, thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc hàn gắn vết
thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa, giảm bớt khó
khăn và dần dần cải thiện đời sống nhân dân …”[20: 483].
2.3. Cải tạo chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá (1958 -
1960)
Những thắng lợi
của công cuộc khôi phục kinh tế đã cho phép miền Bắc bước sang một thời kỳ mới
- thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong thư
chúc mừng năm mới ngày 01/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Thời kỳ
khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có
kế hoạch. Đó là tiến bộ mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta… phát
triển kinh tế, văn hóa, tức là dần dần xây dựng chủ nghĩa xã hội"[21:
03]
Tháng 11/1958,
Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định động viên toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân miền Bắc thực hiện kế hoạch cải tạo và phát triển
kinh tế, phát triển văn hóa (1958 - 1960) và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản
tư doanh. Đồng thời song song với cải tạo là ra sức phát triển thành phần kinh
tế quốc doanh làm lực lượng lãnh đạo nền kinh tế quốc dân.
Với quyết tâm
cao, nhân miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác cải tạo xã hội
chủ nghĩa.
Trong cải
tạo nông nghiệp: Mùa thu năm 1958, ta tiến hành đợt thí điểm đầu tiên về
hợp tác hóa nông nghiệp. Trong đợt thí điểm, miền Bắc đã xây được 134 hợp tác
xã. Đến cuối năm 1958, số lượng hợp tác xã tăng lên 4.721 và tháng 11/1960 là
41.401 hợp tác xã với 85% tổng số hộ và 76% diện tích đất canh tác.
Đây là thắng
lợi có ý nghĩa quan trọng đối với nông thôn và nông dân miền Bắc. Nó tạo điều
kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho
miền Bắc và chi viện cho miền Nam.
Trong cải
tạo công, thương nghiệp tư bản tư doanh: Do giai cấp tư sản miền Bắc có số
lượng ít, tiềm lực yếu và đa số là đồng minh của cách mạng, nên cuộc cải tạo
diễn ra bằng biện pháp hòa bình; nhà nước chủ trương mua lại, chuộc lại tư liệu
sản xuất của tư sản và trả dần tiền chuộc cho họ, đưa các nhà tư sản vào làm
việc trong các công ty mới của nhà nước để cải tạo họ thành người lao động.
Trong 3 năm
(1958 - 1960), 783 hộ tư sản công nghiệp (100%) 826 hộ tư sản thương nghiệp
(chiếm 97.1%) và 319 hộ tư sản vận tải cơ giới (99%) đã được cải tạo.[9:
143]
Tất cả các cơ
sở công thương sau khi cải tạo được tổ chức thành các xí nghiệp công thương hợp
doanh, hợp tác…, xóa bỏ sự bóc lột của tư bản, góp phần thúc đẩy sản xuất phát
triển trong điều kiện có chiến tranh.
Tuy nhiên,
trong quá trình cải tạo, ta đã phạm phải sai lầm ở chỗ là đã xóa bỏ các thành
phần kinh tế cá thể, xóa bỏ tư hữu, làm mất đi tính năng động, đa dạng của nền
kinh tế nhiều thành phần.
Trong cải tạo
thủ công nghiệp và những người buuôn bán nhỏ: toàn miền Bắc đã đưa 81% thợ thủ
công vào các hình thức hợp tác xã, 60% số người buôn bán nhỏ được cải tạo tham
gia vào các tổ hợp mua bán hoặc các hợp tác xã mua bán.
Song song với
công tác cải tạo, Đảng và nhà nước ta cũng tiến hành phát triển kinh tế, đặc
biệt là thành phần kinh tế quốc doanh:
Trong công
nghiệp: Giai đoạn 1958 – 1960, tổng số ngân sách đầu tư cho công nghiệp
tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 1955 – 1957 (từ 172,2 triệu đồng lên 544,5
triệu đồng).
Kết quả: ta đã
xây dựng và mở rộng 130 công trình công nghiệp trên hạn ngạch, đến năm 1960, có
172 xí nghiệp do Trung ương quản lí và trên 500 xí nghiệp do các địa phương
quản lí. Giá trị sản phẩm công nghiệp miền Bắc chiếm 41% tổng giá trị kinh tế
quốc dân, trong đó công nghiệp quốc doanh chiếm 90,8% sản lượng công nghiệp.
Trong nông
nghiệp: Năm 1957, miền Bắc có 16 nông trường quốc doanh, đến năm 1960 tăng
lên 59 nông trường. Vốn đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn này tăng gấp đôi so
với giai đoạn 1955 - 1957. Nhờ vậy, tổng sản lượng nông nghiệp tăng bình quân
5,6%/ năm
Trong xây
dựng cơ bản: Nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng như: nhà máy điện
vinh, Lào Cai, nhà máy sứ Hải Dương; cao su, thuốc lá ở Hà Nội, các công trình
thủy lợi …
Về văn hóa,
giáo dục, y tế: Đến năm 1960, số học sinh phổ thông tăng gấp 2 lần, số học
sinh trung học chuyên nghiệp tăng 4 lần, đại học tăng 4 lần với 9 trường đại học
và 11.000 sinh viên, nâng tỷ lệ người học/100 dân lên mức 18/100.
Số bệnh viện,
bệnh xá, trạm xá, cơ sở hộ sinh tăng gấp 11 lần, số giường bệnh tăng gấp đôi so
với trước.
Đồng thời với
nhiệm vụ khôi phục, cải tạo, phát triển, văn hóa, Đảng và Nhà nước còn quan tâm
đến việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng để biến miền Bắc trở thành một
hậu phương lớn, vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Có thể nói,
những kết quả của quá trình cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa trong giai
đoạn 1958 - 1960 đã thật sự tạo nên những chuyển biến to lớn ở miền Bắc nước
ta. Thắng lợi đó đã được thể hiện rõ trong bản Hiến pháp năm 1960 của nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây chính là những cơ sở vững chắc để miền Bắc trở thành
hậu phương lớn cho cách mạng miền Nam.
3. Miền Nam đấu tranh chống Mĩ – Diệm, giữ gìn và xây dựng lực lượng tiến tới Đồng Khởi
(1954 - 1960)
3.1. Chủ trương chiến lược của Đảng đối với
cách mạng miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1959
Trước khi Hiệp
định Giơ-ne-vơ được kí kết, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Ban chấp hành
Trung ương Đảng - diễn ra từ 15 đến 17 tháng 7 năm 1954 – đã nhận định rằng:
“Đế quốc Mĩ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương”[11:
225]. Từ đó, Đảng đã đề ra phương châm, sách lược đấu tranh mới của cách
mạng Việt Nam là: “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mĩ và Pháp hiếu chiến,
dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hòa bình ở
Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mĩ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương,
củng cố hòa bình và thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trên toàn quốc”[11:
227]
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ
được kí kết (20/7/1954), miền Bắc hoàn toàn giải phóng và chuyển sang giai đoạn
cách mạng xã hội chủ nghĩa; còn ở miền Nam, nhân dân ta đã chấp hành nghiêm
chỉnh những thỏa thuận đã kí kết; lực lượng cách mạng miền Nam đã tập kết và
rút về miền Bắc đúng thời hạn, tạm bàn giao miền Nam lại cho quân đội Liên hiệp
Pháp để chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7 năm 1956. Trước những
âm mưu và hành động của Mĩ – Diệm, nhân dân, Đảng và Bác Hồ đã nhận thấy được
những khó khăn của miền Nam
sau Hiệp định:
Ngày 22 tháng
7 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, trong đó xác định: “đấu
tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc
cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ”[8: 403]
Nhiều đồng
bào, cán bộ và chiến sĩ khi tập kết ra miền Bắc không khỏi băn khoăn và linh
cảm về một tương lai gian khó của cách mạng miền Nam.
Bác cũng thấy được tâm tư, lo lắng đó của anh em, đồng bào miền Nam và Người nói: “Có người hỏi rằng: Nếu bọn Mĩ
Diệm cứ ì ra thì thế nào? Câu trả lời là: bản chất của hòn đá là cứ ì ra không
nhúc nhích. Nhưng khi có nhiều người đồng tâm, hiệp lực mà xô đẩy thì dù tảng
đá to mấy, nặng mấy cũng phải lăn”.[23: 173]
Mặc dù vậy,
ngày 22 tháng 7 năm 1954, Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh
cho lực lượng vũ trang ở Bắc bộ ngừng bắn vào ngày 27/7/1954, Trung bộ vào ngày
01/8/1954 và Nam bộ vào ngày 11/8/1954 nhằm thực hiện những cam kết của ta hiệp
định.
Trong khi ta
tích cực thực hiện hiệp định thì phía Pháp và Mĩ lại đang tích cực củng cố
chính quyền thân Mĩ, chuẩn bị cho việc chia cắt lâu dài Việt Nam.
Trước sự
chuyển biến của tình hình như trên, ngày 05 tháng 9 năm 1954, Bộ chính trị đã
họp và ra nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách của Đảng;
trong đó xác định nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn hiện tại là: “lãnh đạo nhân
dân miền Nam đấu trang thực hiện hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực
hiện tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc
lập”.[18; 48]
Phương châm
đấu tranh của cách mạng miền Nam
lúc này cũng được Bộ Chính trị xác định là: “Tranh thủ hoạt động hợp pháp, nửa
hợp pháp, kết hợp công tác hợp pháp với công tác không hợp pháp. Đối với các tổ
chức quần chúng và tổ chức Đảng thì cố tranh thủ cho được tồn tại hợp pháp và
hoạt động hợp pháp. Hình thức đấu tranh kịch liệt (như khởi nghĩa và chiến
tranh du kích) cần đình chỉ ngay; những hình thức như biểu tình, đình công, bãi
khóa, bãi thị,… cũng cần sử dụng một cách thận trọng và phải tiến hành trên
nguyên tắc có lí, có lợi, có mức, đừng để bọn phản động khiêu khích và tạo cơ
hội cho bọn thực dân Pháp phá hoại đình chiến và ngụy quyền khủng bố”[11:
310].
Ngày 19 tháng
12 năm 1954, Bác viết thư kêu gọi đồng bào ta, tiếp tục thể hiện sự tin tưởng
vào khả năng hòa bình để thống nhất đất nước; Người viết: “Chúng ta đã đoàn
kết, cảnh giác và tin tưởng, cho nên chúng ta đã thắng lợi trong kháng chiến.
Thì nay, chúng ta phải đoàn kết rộng rãi đồng bào cả nước, và đoàn kết chặt chẽ
với nhân dân các nước bạn cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, nâng
cao chí khí đấu tranh và tinh thần cảnh giác hơn nữa, tin tưởng hơn nữa vào lực
lượng mạnh mẽ và tiền đồ vẽ vang của dân tộc ta. Như vậy, chúng ta nhất định
thắng lợi trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành
độc lập và dân chủ trong cả nước ta”[23: 169].
Chủ trương
“chuyển từ cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp trước đó sang đấu tranh chính trị
chống Mĩ Diệm, đòi chúng thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ để củng cố hoà bình, giữ
gìn và xây dựng lực lượng cách mạng”[17: 129] của Trung ương Đảng đã
được giữ nguyên trong một thời gian dài (đến 1958) mặc dù thực tiễn Cách mạng ở
miền Nam đã có những biến động rất lớn.
Không chỉ dừng
lại ở mặt chủ trương mà ngay cả trong thực tế, năm 1958, Trung ương đã tiến
hành sắp xếp biên chế trong quân đội: “giảm 8 vạn quân, trong đó bộ đội miền
Nam ở khu V, Nam bộ tập kết nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đánh giỏi, có uy tín
trong nhân dân, quen thuộc địa hình chiến trường đã bị đưa về các nông trường
quân đội làm kinh tế; trong khi miền Nam đang cần họ”.[18: 53]
Một câu hỏi
được đặt ra đối với quá trình chỉ đạo chiến lược cách mạng ở miền Nam của Đảng
trong giai đoạn 1954 - 1959 là Đảng và Bác không phải không nhận ra những âm
mưu của Mĩ - Diệm, những khó khăn của Cách mạng miền Nam. Nhưng tại sao Bộ
Chính trị lại đưa ra chủ trương chiến lược chỉ đạo cách mạng miền Nam thiếu quyết liệt trong một thời gian dài như
vậy?
Đây là một vấn
đề được các nhà nghiên cứu đặt ra trong thời gian gần đây. Chúng tôi xin được
dẫn ra một số tư liệu liên quan để góp phần làm rõ vấn đề này:
Trong cuốn
Lịch sử quân sự Việt Nam,
tập 11, các tác giả đã viết như sau: “… trong bối cảnh phe xã hội chủ nghĩa
xuất hiện những bất hòa dẫn đến mâu thuẫn về đường lối ngày càng sâu sắc - nhất
là hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Tuy Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã
hội chủ nghĩa đều thống nhất chống Mĩ, ủng hộ Việt Nam, nhưng đường lối đấu
tranh, phương pháp cách mạng của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ
nghĩa khác không thống nhất đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta. Các
Đảng và các nước anh em - nhất là hai nước lớn - muốn giữ cách mạng trong thế
duy trì đường lối "chung sống hòa bình"
giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Tình hình đó đã tác động không nhỏ
đến cuộc kháng chiến của nhân dân ta, làm cho ta vừa có thuận lợi lại vừa có
khó khăn”[18: 10].
Trong lời căn
dặn các đồng chí Xứ ủy Nam bộ và Liên khu V sau khi dự Hội nghị lần thứ 15 đợt
1, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rằng: “Qua chiến tranh Triều Tiên năm 1950,
nhiều Đảng anh em khuyên ta “trường kì mai phục” hoặc “thi đua hoà bình”2.
Họ lo ngại đấu tranh vũ trang ở miền Nam và cho rằng “một đốm lửa” của chiến
tranh miền Nam có thể “thiêu cháy cả một khu rừng”, lan rộng thành chiến tranh
khu vực hoặc thế giới”. (Phát biểu của Đồng chí Phạm Văn Xô. Tài liệu lưu tại
Viện Lịch sử Đảng [Dẫn lại: 29; 9,10])
Sách trắng của
Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm
qua, Nxb Sự Thật, Hà Nội năm 1979 đã đề cập ít nhiều đến vấn đề khuyên chúng ta
“trường kì mai phục” trong trong cuộc kháng chiến chống Mĩ giai đoạn 1954 –
1960 mà Bác đã nói đến ở trên như sau:
Tháng 7 năm
1955, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình đã nói với ta rằng:
“Dùng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một
khả năng nữa là mất cả miền Bắc”[4: 39]; đến tháng 11 năm 1956, Mao
Trạch Đông lại nói rằng: “tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải
quyết được trong thời gian ngắn mà cần phải trường kì…nếu 10 năm chưa được thì
phải một trăm năm”[4: 39] và tháng 7 năm 1957, Mao Chủ tịch lại nói:
“phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17. Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi
mong thời gian dài thì sẽ tốt”[4: 40]. Thậm chí, đến tháng 5/1960, phía
Trung Quốc còn nói rằng: “miền Bắc có thể ủng hộ chính trị cho miền Nam, giúp
miền Nam đề ra các chính sách, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tình thần tự lực cánh
sinh cho anh em miền Nam… có thể cung cấp một số vũ trang cho miền Nam mà không
ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”[4: 40].
Cuộc kháng
chiến chống Mĩ của Việt Nam
đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên
Xô và Trung Quốc. Chính vì vậy, những chủ trương của Trung Quốc và Liên Xô như
trên đã ít nhiều tác động đến chủ trương chiến lược về cách mạng miền Nam của Trung ương?.
3.2. Âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mĩ và
tay sai đối với miền Nam nước ta và quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách
mạng (1954 – 1959)
3.2.1.
Mĩ - Diệm tiến hành “đả thực”, “bài phong”, xây dựng và củng cố chính quyền tay
sai ở miền Nam Việt Nam
Ngay
sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành công, Đông Dương nhanh chóng trở thành
tâm điểm trong chính sách chống cộng của Mĩ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nghị quyết NSC ngày 25.6.1952 của Hội đồng an ninh Quốc gia Mĩ đã xác định
“Đông Dương là khu vực có tầm quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mĩ. Mĩ
phải bảo vệ Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng
sản từ Việt Nam tràn xuống”[18: 18]
Chiến
thắng Điện Biên Phủ của ta đã làm thất bại mục tiêu “ngăn chặn làn sóng Cộng
sản tràn xuống Đông Nam Á” của Mĩ. Sự thất bại này đã làm cho những người đứng
đầu nước Mĩ phải lo lắng; văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ ngày 5
tháng 8 năm 1954 viết rằng: “... mất Đông Dương sẽ gây nguy hiểm cho nên an ninh
của Mĩ. Quyền kiểm soát của Cộng Sản ở Đông Dương sẽ đe dọa các nguồn nguyên
liệu thiết yếu và làm yếu lòng tin của các quốc gia Đông Nam Á”.[Xem
thêm: 35]
Chính
vì những lo ngại đó, cho nên ngay trong khi Hội nghị Giơ-ne-vơ đang diễn ra, Mĩ
đã ép Pháp đưa tay sai của mình là Ngô Đình Diệm về Miền Nam Việt Nam làm Thủ
tướng trong Chính phủ Bảo Đại (thay thủ tướng Bửu Lộc) nhằm chuẩn bị cho việc
thay chân Pháp ở Việt Nam để tiếp tục thực hiện mục tiêu “ngăn chặn chủ nghĩa
cộng sản tràn xuống Đông Nam Á”.
Ngay
sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, tại Oa-sing-tơn, Tổng thống Mĩ –
Ai-xen-hao đã tuyên bố với báo chí rằng: Mĩ không can dự vào những quyết định
của hội nghị Giơ-ne-vơ và vì thế, họ không bị ràng buộc bởi những quyết định
của bản hiệp định này.
Ngày
08 tháng 8 năm năm 1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ do Tổng thống Ai-xen-hao
đứng đầu đã ra quyết định NSC 5429/2 với 4 chính sách lớn buộc Pháp phải thực
hiện:
1.
Mĩ sẽ trực tiếp viện trợ cho Ngô Đình Diệm không thông qua Pháp.
2.
Mĩ trực tiếp chỉ huy, huấn luyện quân đội ngụy miền Nam Việt Nam.
3.
Buộc Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
4.
Loại bỏ Bảo Đại và những ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam.
Đồng
thời với những hành động trên, Mĩ còn hối thúc Anh, Pháp lôi kéo một số nước
trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành lập một liên minh chính trị - quân
sự để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong vùng. Và đến ngày
08 tháng 9 năm 1954, tại thủ đô Manila của Phi-lip-pin, đại biểu các nước Mĩ,
Anh, Pháp, Úc, Niu-di-lân, Pakistan, Phi-lip-pin, Thái Lan đã kí kết Hiệp ước
an ninh và phòng thủ Đông Nam Á – South East Asia Treaty Organization (SEATO).
Ngày
17 tháng 11 năm 1954, Tham mưu trưởng lục quân Mĩ - tướng Cô-lin được cử sang
Sài Gòn làm đại sứ của Mĩ tại miền Nam Việt Nam.
Viên đại sứ này đã đưa ra một bản kế hoạch gồm 6 điểm nhằm củng cố thế lực Ngô
Đình Diệm và biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ:
1.
Bảo trợ chính quyền Diệm, viện trợ thẳng cho chính phủ Sài Gòn.
2.
Xây dựng quân đội Nam Việt Nam
gồm 15 vạn quân do Mĩ trang bị, huấn luyện.
3.
Bầu cử Quốc hội ở miền Nam,
hợp pháp hoá chính quyền Sài Gòn.
4.
Định cư cho số người công giáo miền Bắc di cư vào Nam
và vạch kế hoạch cải cách điền địa.
5.
Thay đổi chế độ thuế khoá, dành ưu tiên cho hàng hoá Mĩ ở miền Nam.
6.
Đào tạo cán bộ hành chính[28: 153].
Ngày
13 tháng 12 năm 1954, Pháp kí hiệp ước giao trách nhiệm huấn luyện và trang bị
cho quân ngụy ở miền Nam Việt Nam cho Mĩ. Và đến ngày 19 tháng 12 năm 1954,
Pháp tiếp tục kí hiệp định thứ hai trao quyền hành chính và chính trị ở miền
Nam cho chính phủ Ngô Đình Diệm.
Đến
ngày 14 tháng 5 năm 1956, Chính phủ Pháp thông báo sẽ rút hết quân viễn chinh
về nước, trút bỏ trách nhiệm thi hành nhiều điều khoản còn lại của hiệp định
Giơ-ne-vơ cho chính quyền Ngô Đình Diệm; trong đó có việc tổng tuyển cử ở hai
miền Nam - Bắc để thống nhất đất nước.
Tiếp
quản miền Nam từ tay Pháp, ngay lập tức Mĩ hỗ trợ cho Ngô Đình Diệm tiến hành
loại Bảo Đại (lúc này đang là Quốc trưởng) ra khỏi chính quyền, thiết lập chế
độ độc tài tay sai:
Ngày
17 tháng 7 năm 1955, Diệm đã công khai tuyên bố không hiệp thương tổng tuyển cử
vào tháng 7 năm 1956 theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Và đến ngày 23
tháng 10 năm 1955, được sự giúp sức của Mĩ, Diệm đã tổ chức “trưng cầu dân ý”
và phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và tự tôn xưng mình lên làm tổng thống.
Ngô
Đình Diệm đã xây dựng chỗ dựa cho chế độ của mình bằng cách thành lập đảng Cần
lao nhân vị ngay từ khi vừa mới về nước thay thế Bửu Lộc (8/1954) và hai tháng
sau (10/1954), Diệm lại tổ chức Phong trào cách mạng quốc gia do Trần Chánh
Thành đứng đầu với mục tiêu: “đả thực, bài phong, chống cộng”. Tiếp sau đó là
các tổ chức chính trị khác lần lượt ra đời như: “thanh niên cộng hoà”, “phụ nữ
liên đới”… với cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương nhằm mục
đích tập hợp những phần tử phản cách mạng trong giai cấp tư sản, địa chủ, công
chức, những người theo đạo thiên chúa… chống lại nhân dân và Cách mạng miền
Nam, chia cắt đất nước lâu dài.
Sau
khi thâu tóm được quyền lực ở Miền Nam,
Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành hàng loạt các chính sách nhằm kiểm soát miền Nam:
Thứ nhất, dựa vào sự giúp đỡ của Mĩ, Diệm đã ra sức xây dựng
một lực lượng quân đội và cơ sở hạ tầng mạnh và hiện đại nhằm phục vụ mục tiêu
thanh trừng các lực lượng thân Pháp, tiêu diệt lực lượng Cộng sản ở miền Nam,
biến miền Nam Việt Nam thành một “tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản ở Đông
Nam Á”:
Năm
1955, chính quyền Sài Gòn nhận được từ Mĩ một khoản viện trợ lên đến
320.300.000 USD, trong đó dành cho quân sự là 234.800.000 USD và đồng thời Mĩ
cũng bắt đầu đảm nhận công tác huấn luyện cho quân đội Sài Gòn.
Từ
tháng 7 năm 1955, Mĩ - Diệm bắt đầu tăng cường bắt lính nhằm thực hiện mục tiêu
xây dựng lực lượng quân đội chính quy mạnh (Theo kế hoạch là 155.000 quân). Kết
quả tính đến tháng 6/1956, quân số chính quy của chính quyền Sài Gòn tăng lên
147.462 quân, trong đó: lực lượng lục quân là 140.000 quân được tổ chức thành
10 sư đoàn; không quân có 3.462 tên; hải quân có 4.000 tên.[Xem
thêm; 33: 51] Ngoài lực lượng chính quy còn có
lực lượng bảo an (47.517 tên) và lực lượng dân vệ và cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ.
Thứ hai, Ngô Đình Diệm tăng cường củng cố đạo Công giáo để
làm chỗ dựa cho chế độ của mình. Báo cáo của Bộ chính trị tại Hội nghị lần thứ
15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) đã đánh giá thực trạng và những
tác động của chính sách này như sau:
“Lực
lượng các tôn giáo ở miền Nam
là một lực lượng khá đông, bao gồm gần 2 triệu người. Thái độ chính trị của họ
ngả về chế độ Mĩ - Diệm hay về ta có một ý nghĩa quan trọng.
Trước hoà bình tổng số đồng bào Công giáo chỉ khoảng
324.630, nay cộng thêm vào số đồng bào miền Bắc di cư vào có khoảng 711.714
(theo tài liệu của báo chí miền Nam).
Mấy năm qua Mĩ - Diệm cố gắng phát triển Công giáo để
làm hậu thuẫn cho chúng. Chúng đạt được một số kết quả ở vài nơi ở Liên khu V;
trong những vùng bị khủng bố nặng nề, có nhiều người vào Công giáo để tránh
khủng bố; ở Nam Bộ cũng làm như thế, nhưng Công giáo không phát triển nổi.
Số Công giáo người miền Nam, nhất là ở Nam Bộ, trước
đây đoàn kết tốt với đồng bào lương và tham gia kháng chiến, đến nay nói chung
quan hệ tốt đó vẫn được duy trì. Những cha cố công giáo di cư vào không lôi kéo
được họ.
Công giáo di cư khi mới vào nói chung đều ủng hộ Diệm,
tích cực chống ta. Nhưng Diệm không đem lại quyền lợi cho họ như đã hứa, trái
lại hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp, họ bị bắt đi làm đồn điền, lên Tây
Nguyên, bị đốt nhà, cắt phụ cấp, đời sống rất cơ cực. Sự tranh giành giữa Ngô
Đình Thục với các giám mục khác như Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Văn Hiền,
sự tranh giành địa phận con chiên giữa linh mục di cư và địa phương làm cho nội
bộ những người đứng đầu Công giáo mâu thuẫn nhau. Số lớn Công giáo di cư bất
mãn, thán oán chế độ Mĩ - Diệm và có xảy ra những cuộc đấu tranh khá mạnh mẽ
như vụ chống ký khế ước ở Cái Sắn, chống đuổi nhà ở Sài Gòn...”[14: 37,41]
Thứ ba, Chính
quyền Diệm tiến hành hạn chế sự phát triển của các tôn giáo khác và đặc biệt là
thanh trừng các lực lượng quân đội của các giáo phái thân Pháp ở Nam bộ không chịu theo Diệm:
Trong thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã xây dựng một
lực lượng vũ trang trong các giáo phái ở Nam
bộ bao gồm: lực lượng Bình Xuyên,
lực lượng Cao Đài và lực
lượng vũ trang Hoà Hảo.
Khi mới lên nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã gặp phải nhiều trở ngại trước thế
lực quá lớn của lực lượng này. Để đối phó, lúc đầu Mĩ - Diệm đã dùng các biện
pháp mềm dẻo để lôi kéo, nhưng chỉ một vài nhóm chịu theo Diệm, còn lại không
chịu hợp tác và ra mặt chống đối Diệm:
Trấn áp lực lượng Bình
Xuyên:
Đối phó với lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn, chính
quyền Diệm đã mở chiến dịch Hoàng Diệu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 năm
1955; kết quả nhiều đơn vị của lực lượng Bình Xuyên đã đầu hàng và sáp nhập vào
quân đội của Diệm, Bảy Viễn thoát chết và chạy sang sống lưu vong ở Pháp.
Tiêu diệt lực lượng vũ
trang Hoà Hảo:
Sau khi không quy thuận được lực lượng này, Diệm đã
huy động một lực lượng quân đội lớn liên tục mở các cuộc hành quân vào các căn
cứ của lực lượng vũ trang Hoà Hảo ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Những người đứng
đầu lực lượng vũ trang Hoà Hảo lần lượt đầu hàng Mĩ - Diệm (Năm Lửa, Ngộ,
Ngoán, Ba Cụt), và quân đội của chúng cũng tan rã.
Sau các cuộc thanh trừng của Diệm, “một số đơn vị Hoà
Hảo được ta giúp đỡ duy trì lực lượng chống lại Mĩ - Diệm. Bọn chỉ huy vừa dựa
vào ta vừa sợ ta nắm bộ đội chúng nên lưng chừng, Mĩ - Diệm một mặt dùng quân
sự tấn công tiêu diệt, mặt khác tìm cách mua chuộc bọn chỉ huy. Vì bản chất lưu
manh, cướp bóc của bọn chỉ huy, không thể được nhân dân ủng hộ, nên phần lớn
dần dần cũng đầu hàng Mĩ- Diệm. Nhưng chính sách đàn áp, cướp bóc của Mĩ - Diệm
trong các vùng Hoà Hảo làm cho đồng bào Hoà Hảo thấy rõ bộ mặt bán nước và gian
ác của chúng, và cùng với ta chống Mĩ - Diệm. Nhờ vậy mà ta có hoàn cảnh thanh
toán những thành kiến cũ, và mở rộng cơ sở và mặt trận chống Mĩ - Diệm trong
vùng Hoà Hảo, điều mà trong thời kỳ kháng chiến ta chưa làm được”.[14:
37,41]
Đàn áp lực lượng Cao
Đài:
Đạo Cao Đài có khoảng 70 vạn tín đồ được chia làm 12
phái. Diệm đã lôi kéo được phái Cao Đài Liên Minh của Trịnh Minh Thế, còn lại
các phái khác với những thái độ khác nhau nhưng không chịu hợp tác với Diệm đã
lần lượt bị tấn công; tiêu biểu như:
Phái Cao Đài Hậu Giang của cụ Cao Triều Phát không
chịu theo Pháp và đã đưa lực lượng tham gia kháng chiến chống Mĩ - Diệm cùng
với nhân dân Nam bộ.
Phái Chính đạo ở Bến Tre, trong kháng chiến đứng trung
lập, một số ít tham gia kháng chiến. Hoà bình trở lại họ gần gũi ta hơn. Mĩ -
Diệm cố mua chuộc chức sắc nhưng không làm được, nên vu khống cho là Việt cộng
và cấm hành đạo. Vì vậy, các tín đồ và chức sắc đều đoàn kết với nhân dân chống
Mĩ - Diệm.
Phái Tây Ninh do Hộ pháp Phạm Công Tắc cầm đầu (30 vạn
tín đồ). Trong kháng chiến theo Pháp, tổ chức bộ đội, chiếm đóng vùng Toà thánh
Tây Ninh chống lại ta, ý thức chống cộng gay gắt. Từ tháng 2 đến tháng 6 năm
1956, Diệm đã mở chiến dịch Nguyễn Huệ tấn công lên Tây Ninh. Quân đội Cao Đài
bị bao vây và phân tán. Một số cầm đầu quân sự theo Mĩ - Diệm (Nguyễn Thành
Phương) bao vây Toà thánh, giải tán các tổ chức chính trị, kinh tế. Phạm Công
Tắc phải chạy sang Miên. Diệm đưa Cao Hoài Sang thay thế Phạm Công Tắc và để
lừa gạt tín đồ Cao Đài, hai bên cam đoan: Cao Đài không làm chính trị, Diệm bảo
đảm tự do tín ngưỡng.
Những chức sắc và tín đồ Cao Đài oán ghét Mĩ - Diệm vẫn
tiếp tục hoạt động chính trị dưới sự điều khiển bí mật của Phạm Công Tắc theo
hướng trung lập.
Hạn chế sự phát triển
của Phật Giáo:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Thiên Chúa phát
triển tương xứng với vai trò là “quốc giáo” như mong muốn của anh em ông Ngô
Đình Diệm, chính quyền Diệm đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế hoạt động và sự
phát triển của các tôn giáo khác, trong đó đặc biệt là Phật giáo vốn đã có ảnh
hưởng rất lớn đối với nhân dân.
“Sau hoà bình ở Liên khu V trong những vùng địch khủng
bố đàn áp nặng, các tổ chức Phật giáo tương đối ít bị uy hiếp, lại không có
thái độ chính trị xấu nên quần chúng vào Phật giáo cũng khá đông, đồng bào ở
vùng tự do cũ, một số đảng viên cũng vào Phật giáo. Do đó Phật giáo ở Liên khu
V phát triển, có những tổ chức tương trợ, hộ táng, lập thêm chùa, trường học,
v.v.. Xu hướng của Phật giáo chống Mĩ - Diệm và tán thành thống nhất. Hầu hết
các lãnh tụ ủng hộ ta, quần chúng tín đồ cùng nhân dân đấu tranh chống Mĩ -
Diệm.
Lúc sau này địch khủng bố mạnh, phong trào chung khó
khăn, những người cầm đầu trong đạo ở các địa phương nằm yên không biểu thị
thái độ như trước, trong quần chúng tín đồ thì phát triển việc cầu nguyện, ăn
chay làm lành. Họ có cảm tình với ta, và ta có khả năng tranh thủ họ chống Mĩ -
Diệm, mặc dù họ có những hình thức tiêu cực.”[14: 37,41]
Có thể thấy rằng, chính sách phân biệt tôn giáo và các
cuộc thanh trừng các giáo phái của Ngô Đình Diệm đã đẩy nhiều tín đồ của các
tôn giáo không phải là Công giáo về phía cách mạng và đồng thời đã giúp cho ta
tạo ra được “lực lượng giáo phái li khai” chống Diệm làm vỏ bọc cho lực lượng
vũ trang cách mạng ở Nam bộ trong giai đoạn 1955 – 1959.
Thứ tư,
chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện cải cách điền địa nhằm tập trung đánh vào
nông dân - chỗ dựa chủ yếu của Đảng và cách mạng;
Ngày 8 tháng 01 năm 1955, Ngô Đình Diệm ra Dụ số 2 về
“cải cách điền địa” quy định tá điền và địa chủ phải trực tiếp kí khế ước, mội
bên lĩnh canh, một bên phát canh. Mức tô quy định từ 15% đến 25% hoa lợi, thời
hạn khế ước được chia làm 2 loại: loại có thời hạn 03 năm và loại có thời hạn
05 năm.
Ngày 05 tháng 02 năm 1955, Diệm tiếp tục ra Dụ số 7
quy định: ruộng bỏ hoang, ruộng vắng chủ được nhà nước giao cho Hội đồng hương
chính đứng ra kí với tá điền cho mướn ruộng và thu tô theo nguyên tắc năm đầu
miễn hoàn toàn, năm thứ hai thu bằng 2/3 và từ năm thứ ba trở đi thu bằng ¾ mức
tô được quy định trong Dụ số 2.
Hai Dụ này đã mở đường cho những địa chủ bỏ chạy trước
đây quay trở về chiếm lại ruộng đất, đẩy hàng chục vạn gia đình nông dân được
cách mạng chia ruộng đất trước đây rơi vào cảnh trắng tay, phải trở lại làm tá
điền cho bọn địa chủ. Trước tình hình đó, nông dân đã nổi lên chống đối và dư
luận cũng chỉ trích, phê phán gay gắt chính sách “cải cách điền địa” này.
Để giảm sức ép của dư luận và xoa dịu những hoạt động
đấu tranh của nông dân miền Nam, ngày 22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm đã ra
Dụ số 57 quy định: Mỗi địa chủ chỉ được quyền sở hữu tối đa 100 ha, cộng thêm
15 ha hương hỏa và địa chủ nào không phát canh thu tô thì được quyền sở hữu
thêm 30 ha. Như vậy, mỗi địa chủ có quyền sở hữu tối đa là 145 ha. Số ruộng đất
vượt quy định sẽ bị nhà nước “truất hữu” để đem chia lại cho nông dân.
Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết địa chủ ở miền Nam có ruộng phát canh thu tô đều không vượt quá
diện tích 100 ha (số này đang chiếm giữ khoảng 2/3 diện tích đất đai sản xuất);
và đương nhiên họ không bị ảng hưởng của Dụ số 57. Còn số địa chủ rơi vào diện
bị “truất hữu” thì tìm cách lách luật bằng cách chia nhỏ ruộng đất cho anh em,
con cái…
Ngoài ra, dụ số 57 còn quy định, đất đai của nhà thờ
đạo Thiên chúa (khoảng 262000 ha) và ruộng của người Pháp (khoảng 229150 ha)
không thuộc phạm vi điều chỉnh của dụ này.
Chính vì vậy, trong thực tế, quyền lợi mà Dụ số 57
mang lại cho nông dân là không đáng kể. Thật chất của chính sách “cải cách điền
địa” của Ngô Đình Diệm đưa ra trong năm 1955 là nhằm vực dậy và củng cố lực
lượng địa chủ để làm chỗ dựa cho Diệm và đồng thời nó nhằm đánh vào lực lượng
nông dân - vốn là chỗ dựa của cách mạng miền Nam.
Thứ năm,
tiến hành xây dựng các khu dinh điền để giải quyết vấn đề tái định cư cho lực
lượng tín đồ thiên chúa giáo mà Diệm đã dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đưa vào miền
Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ và xây dựng các khu trù mật với tham vọng nhanh
chóng hình thành các khu dân cư trong đó người dân có cuộc sống vật chất và văn
hóa cao trên cơ sở một nền kinh tế trù phú và một nếp sống dân chủ xã hội tốt
đẹp nhằm tạo sức hấp dẫn với người dân xưa nay “sống nghèo khổ và mất tự do ở
các vùng căn cứ kháng chiến” (theo cách nói của Ngụy lúc bấy giờ); đồng thời
làm đối trọng với nền kinh tế - xã hội miền Bắc, tách quần chúng khỏi cách
mạng.
Có thể nói rằng, những cố gắng của Diệm trong việc
khôi phục an ninh, xây dựng và phát triển kinh tế dưới sự hà hơi tiếp sức của
Mĩ trong giai đoạn đầu đã mang lại một số kết quả nhất định. Tuy những kết quả
đó chỉ là tạm thời, thiếu tính bền vững nhưng nó cũng đã tạo cơ sở cho Diệm
tranh thủ được sự ủng hộ của Mĩ, đặc biệt là thực hiện chính sách tố cộng, diệt
cộng mạnh mẽ trên khắp miền Nam.
3.2.2. Chính sách “chống cộng” của Diệm và những tổn thất của cách mạng
miền Nam trong giai đoạn 1954 - 1959
Chủ trương đấu
tranh chính trị hòa bình ở miền Nam của Đảng được duy trì trong một thời gian
khá dài từ 1954 đến 1958 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mĩ - Diệm đẩy mạnh thực
hiện khủng bố, tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam:
Hiệp định
Giơ-ne-vơ vừa được kí kết còn chưa ráo mực, Ngô Đình Diệm - bất chấp những quy
định đã được kí kết - tiến hành hàng loạt các vụ khủng bố, trả thù những người
kháng chiến cũ:
Ngày 02 tháng
8 năm 1954, địch đã tiến hành vụ tàn sát đẫm máu ở Kim Đôi làm 17 người chết,
67 người bị thương; tháng 9 năm 1954, địch thảm sát 31 người và làm bị thương
36 người tại Hà Lam, Chợ Được - Quảng Nam; ngày 7 tháng 9 năm 1954, chúng thảm
sát 64 người, làm bị thương 76 người tại Ngân Sơn, Chí Thạnh - Phú Yên; Ngày 13
tháng 9 năm 1954, chúng thảm sát 17 người và làm bị thương 500 người ở Mỏ Cày -
Bến Tre; ngày 23 tháng 9 và 01 tháng 10 năm 1954, chúng thảm sát 105 người và
làm bị thương 186 người tại Chiên Đàn, Cây Cốc - Quảng Nam; hay ở Bình Thành -
Đồng Tháp, vào ngày 12 tháng 11 năm 1954, địch đã thảm sát 33 người dân vô tội
và là 19 người bị thương…
Đầu năm 1955,
Diệm bắt đầu thực hiện chính sách “tố cộng”,
“diệt cộng”.
Ở khu V: tháng
2 năm 1955, Mĩ - Diệm mở chiến dịch Phan Chu Trinh đánh phá các địa điểm mà
chúng nghi ngờ là cơ sở của cách mạng ở các tỉnh ven biển Trung bộ; tháng
4/1955, chúng tiếp tục mở chiến dịch Giải phóng tấn cống, lùng sục nhiều nơi ở
Quảng Ngãi và Bình Định để bắt bớ những người mà chúng tình nghi là cộng sản;
tháng 5 năm 1955, Diệm tiếp tục cho mở chiến dịch Trịnh Minh Thế tấn công lực
lượng cách mạng trên toàn khu V…
Sau một số
cuộc tấn công mang tính thăm dò như trên, từ tháng 6 năm 1955 đến giữa năm
1956, Mĩ - Diệm chính thức tiến hành chiến dịch “tố cộng, diệt cộng giai đoạn
1” trên quy mô toàn miền Nam.
Diệm thành lập
“Hội đồng nhân dân chỉ đạo tố cộng”. Thành phần của Hội đồng này bao gồm tất cả
các bộ trưởng trong chính phủ do Trần Chánh Thành làm chủ tịch và Ngô Đình Diệm
làm chủ tịch danh dự. Hội đồng này đã cử ra Uỷ ban chỉ đạo tố cộng trung ương
để lãnh đạo trực tiếp phong trào tố cộng ở các tỉnh.
Mỗi tỉnh,
huyện, xã đều có ban chỉ đạo tố cộng tương ứng. Và tại các xã, chúng đã tiến
hành thành lập các “liên gia”, “ngũ gia liên bảo” để giám sát lẫn nhau, không
cho “Cộng sản” đến ăn ở trong các gia đình này.
Trong giai
đoạn 1 của chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, chính quyền Diệm đã tiến hành tất
cả 3 đợt:
Đợt 1 diễn ra
từ 15/5 đến cuối tháng 8/1955 tập trung vào các tỉnh miền Trung.
Đợt 2 diễn ra
từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1955; tập trung vào nội bộ cơ quan ngụy quyền.
Đợt 3 diễn ra
từ 15/11/1955 đến tháng 5 năm 1956 với quy mô rộng khắp toàn miền Nam.
Trong giai
đoạn này, do phải chấp hành chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình của Trung
ương để chờ đến thời hạn tổng tuyển cử và một phần do ta chủ quan không lường
trước được hết những âm mưu của địch nên lực lượng cách mạng miền Nam đã bị
chính sách tố cộng diệt cộng giai đoạn 1 của chính quyền Ngô Đình Diệm (1955 –
5/1956) làm cho tổn thất nghiêm trọng:
Trong khoảng
thời gian từ tháng 7 năm 1955 đến tháng 2 năm 1956, Mĩ - Diệm đã giết hại, giam
cầm 93.362 cán bộ đảng viên và những người yêu nước trên khắp miền Nam.
Cá biệt như
trường hợp Đảng bộ Thủ Dầu Một (Nay thuộc tỉnh Bình Dương), số đảng viên còn
lại sau khi tập kết – 1954 là 1270 người, đến cuối năm 1956 chỉ còn lại 260
đồng chí; mỗi chi bộ còn vài ba đảng viên, thậm chí nhiều xã không còn chi bộ
do các đảng viên bị bắt và bị giết hết.
Trong tình thế
bức bách đó, nhân dân miền Nam không thể tiếp tục kéo dài tình trạng “ứa nước
mắt thúc thủ đưa tay vào xiềng xích kẻ thù”[31: 19] nữa; nhiều nơi ở Nam
bộ, nhân dân và các đảng bộ địa phương đã bất chấp chủ trương đấu tranh chính
trị của Đảng, tự động đứng lên vũ trang khởi nghĩa lẻ tẻ, như ở Trảng Cỏ (Tây
Ninh), quần chúng đã đồng loạt diệt tề ngụy để giành quyền làm chủ. Tuy các
đồng chí lãnh đạo cuộc nổi dậy này đã bị kỉ luật, nhưng sự kiện này là dấu hiệu
cho thấy “người dân không thể tiếp tục sống như trước nữa”. Nhưng không thể
tiếp tục sống được nữa thì có thể làm được gì khi mà lối thoát duy nhất là đứng
lên vũ trang đã bị cấm?.
Có thể nói
thực tiễn cách mạng miền Nam và chủ trương của Đảng lúc này đang đặt những
người lãnh đạo cách mạng miền Nam trước một bài toán khó: Nếu tiếp tục chấp
hành đúng chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình của Trung ương Đảng thì bị
chính sách khủng bố của Ngô Đình Diệm tiêu diệt, nhưng nếu vũ trang để đối phó
với Diệm thì vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng.
Trước bài toán
tưởng chừng như không có lời giải đó, nhiều địa phương ở miền Nam đã có những sáng tạo riêng của mình trong
quá trình vận dụng chủ trương của Trung ương Đảng để tồn tại:
Ở miền Nam, lực lượng cách mạng ở nhiều địa phương đã
rút vào các vùng rừng núi, bưng biền để xây dựng căn cứ, bảo toàn lực lượng.
Đặc biệt, ở Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ và các đảng bộ địa phương đã nắm bắt tình
hình, sử dụng danh nghĩa các giáo phái bị Diệm đàn áp để xây dựng lực lượng vũ
trang hoạt động công khai chống Diệm để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính
trị của quần chúng. Đây là một giải pháp rất sáng tạo của cách mạng miền Nam; không vi phạm chủ trương của Trung ương,
nhưng vẫn có thể xây dựng được lực lượng vũ trang hỗ trợ cho hoạt động đấu
tranh chính trị của nhân dân miền Nam.
Nhờ những sáng
kiến trên mà hoạt động đấu tranh chính trị ở nhiều địa phương ở Nam bộ như: Đồng Tháp Mười, U Minh, Bảy Núi…
được hỗ trợ bởi lực lượng vũ trang, làm cho chính quyền địch không dám đánh
mạnh, hiệu quả đấu tranh cao hơn. Thực tế đó đã cho thấy, cách mạng miền Nam không thể thiếu đấu tranh vũ trang.
Tuy nhiên tất
cả những sáng tạo để tồn tại của cách mạng miền Nam
trong giai đoạn này vẫn chưa thể trở thành một giải pháp chiến lược chính thức
của cách mạng miền Nam.
Giai đoạn 1
của chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” kết thúc với kết quả như trên đã thật sự
gây cho ta nhiều khó khăn: một bộ phận đông đảo quần chúng nhân dân hoang mang,
lo sợ, một số cán bộ đảng viên dao động, mất lòng tin, không giữ vững được khí
tiết… và bước đầu giúp Diệm củng cố được quyền kiểm soát ở miền Nam; tạo tiền
đề cho Mĩ - Diệm tiếp tục những bước đi tàn bạo hơn đối với cách mạng và nhân
dân miền Nam.
Với những
thắng lợi trong giai đoạn từ 7/1954 đến giữa năm 1956, Diệm đã ngang nhiên công
khai tuyên bố không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, không hiệp thương tổng tuyển
cử với miền Bắc; đồng thời tiến hành chiến dịch tố cộng diệt cộng giai đoạn 2
bắt đầu từ giữa năm 1956 kéo dài cho đến cuối năm 1958 với quy mô lớn, tính
chất tàn bạo và khốc liệt để trấn áp nhân dân miền Nam.
Diệm công khai
đưa vào điều 7 của bản hiến pháp này 20/10/1956 nội dung phủ nhận chủ nghĩa
cộng sản; “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp
hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức điều trái với nguyên tắc
ghi trong hiến pháp”. Đến tháng 5 năm 1957, Diệm tiếp tục ban hành luật “đặt
cộng sản ngoài vòng pháp luật”… Đồng thời, Mĩ - Diệm liên tục mở 4 chiến dịch
lớn nhằm truy quét, tiêu diệt những ai có liên quan đến cách mạng và chống đối
lại Diệm:
Chiến dịch
Thoại Ngọc Hầu: Bắt đầu từ ngày 24/6/1956 đến ngày 24/02/1957; chúng đã huy
động một lực lượng lớn mở nhiều cuộc hành quân càn quét đánh phá các tỉnh Đồng
bằng Sông Cửu Long nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, lực lượng vũ trang bí
mật của ta và các tổ chức vũ trang Hòa Hảo li khai chống Diệm. Chúng đã giết
441 người và bắt 2117 người.
Chiến dịch
Trương Tấn Bửu: từ ngày 10/7/1956 đến ngày 24/2/1957; chúng tiến hành càn
quét vùng Miền Đông Nam bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm tiêu diệt lực lượng cách
mạng và tàn quân của nhóm Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo đang ủng hộ ta và tiến
hành chiến dịch tố cộng, diệt cộng hết sức gắt gao nhằm quét sạch lực lượng
cách mạng và những ai dính líu đến cách mạng. Kết quả: 102 người bị giết, 882
người bị bắt.
Chiến dịch
Mùa thu: Từ 01/10/1957 đến tháng 12/1957; chúng huy động lực lượng tấn công
vào vùng đông bằng sông Cửu Long lần thứ hai để bảo vệ và của cố kết quả tố
cộng, diệt cộng trước đó và ngăn cản họat động của ta, bảo vệ vựa lúa của chúng
ở đây.
Chiến dịch
Nguyễn Trãi: từ 20/4/1958 đến 20/11/1958; đánh lại các tỉnh Đông Nam bộ lần
thứ hai. Đồng thời chúng mở song song chiến dịch Hồng Châu càn quét vùng ngoại
ô Sài Gòn để tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Ngày
01/12/1958, Chính quyền Sài Gòn đã đầu độc 6000 người yêu nước ở nhà tù Phú
Lợi, làm hơn 1000 người chết. Nghiêm trọng hơn, tháng 5/1959, chính quyền Ngô
Đình Diệm đã ban hành đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam giết hại những
người vô tội.
Trước bối cảnh
đó, ở Khu V, Liên khu ủy đã chủ trương chuyển một bộ phận Đảng viên, cán bộ
hoạt động bí mật ra sống hợp pháp trong lòng địch, kết hợp với hệ thống lãnh
đạo không hợp pháp bên ngoài, lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Chủ trương này đã
dẫn đến những tổn thất lớn của lực lượng cách mạng khu V trước chính sách khủng
bố tàn bạo của địch.
Riêng ở Nam
bộ, mặc dù đã chủ động lợi dụng danh nghĩa các giáo phái để xây dựng lực lượng
vũ trang hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị; nhưng do chính quyền diệm
tiến hành các cuộc hành quân chà đi xát lại nhiều lần ở Nam bộ nên lực lượng cách
mạng ở đây cũng lâm vào số phận bi thảm không kém khu V.
Ở Quảng Trị,
sau tập kết ta còn 8.400 Đảng viên với hàng trăm chi bộ. đến đầu năm 1957, ở
đồng bằng còn lại 7 chi bộ với 106 đảng viên, trong đó có 71 đảng viên hoạt
động đơn tuyến; ở miền núi còn 70 đảng viên; hai huyện Cam Lộ và Hải Lăng không
còn đảng viên nào.
Ở khu V, đến
cuối năm 1957, đã có 70% cấp ủy xã, 60% huyện ủy viên, 40% tỉnh ủy viên ở các
tỉnh đồng bằng đã bị bắt, bị giết, nhiều huyện, xã không còn cán bộ lãnh đạo.
Đặc biệt, Đảng bộ Quang Nam,
Đà Nẵng, tháng 8/1954 có 35.000 đảng viên, đến cuối năm 1958 chỉ còn dưới 100
đảng viên họat động đơn tuyến….
Khi bắt đầu
chuyển hướng đấu tranh chính trị, Liên tỉnh ủy miền Trung Nam bộ có 12.000 đảng
viên, cán bộ, đến cuối năm 1959, chỉ còn 2000 người.
Ở Liên tỉnh ủy
miền Tây Nam bộ, địch đã bắt giết, tù đày… 51.590 cán bộ đảng viên và quần
chúng cách mạng; trong đó có 12.270 là cán bộ và đảng viên.
Ở liên tỉnh ủy
miền Đông Nam bộ và Sài Gòn – Gia Định, số cán bộ đảng viên tổn thất nặng nề
chưa từng thấy: ở Hóc Môn, năm 1954 để lại 100 đảng viên thì đến năm 1958 chỉ
còn lại duy nhất 1 người; ở Gò Vấp, Tân Bình, năm 1954 còn 1000, nhưng đến đầu
1959 chỉ còn lại vỏn vẹn có 8 người; cả tỉnh Gia Định chỉ còn lại duy nhất một
chi bộ Đảng còn hoạt động là chi bộ Tân Phú Trung - Củ Chi,…
Tổng kết riêng
ở Nam bộ, số đảng viên còn lại tính đến đầu năm 1959 là 5.000 so với con số
khổng lồ - 60.000 đảng viên ở lại Miền Nam.
3.2.3. Quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách
mạng giai đoạn 1954 – 1959
Thực hiện đúng
chủ trương chỉ đạo của Đảng, tháng 8 năm 1954, phong trào hòa bình
của tri thức và các tầng lớp nhân dân ra đời ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã tổ chức
nhiều cuộc Mittinh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, hiệp thương tổng tuyển cử
nhưng đã bị chính quyền Diệm đàn áp và khủng bố.
Tiếp sau đó,
phong trào chống “trưng cầu dân ý”, chống bầu cử Quốc hội, đòi hiệp thương tổng
tuyển cử tự do thống nhất đất nước, chống khủng bố, đàn áp, chống chiến dịch
“tố cộng, diệt cộng”, đòi quyền tự do dân chủ… lại tiếp tục dâng cao và lan
rộng từ thành thị đến nông thôn.
Những chính
sách khủng bố ác liệt của chính quyền Diệm vẫn không thể dập tắt được phong
trào cách mạng. Trái lại, chúng còn làm cho nhân dân ta căm ghét thêm và phong
trào chống Mĩ - Diệm ở miền Nam
ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Trong Báo cáo
Hội nghị 15, Trung ương Đảng đã kết luận: “… các thủ đoạn gian dối của Mĩ -
Diệm không che giấu nổi bộ mặt phản dân tộc của một chính quyền ngoại lai bán
nước. Những luận điệu tuyên truyền của chúng trái ngược với thực tế của một xã
hội thối nát bày ra hàng ngày trước mắt quần chúng. Do đó chính quyền Mĩ - Diệm
không thể tìm được chỗ dựa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, trái lại quảng
đại quần chúng chống lại chính sách lệ thuộc bán nước của chính quyền Mĩ -
Diệm”[14: 4]
Trong
hai năm đầu sau Hiệp định, do ta chủ quan không lường trước được hết những âm
mưu của địch nên đã duy trì chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình để chờ tổng
tuyển cử thống nhất đất nước. Và hậu quả là lực lượng cách mạng miền Nam đã bị
chính sách “tố cộng” “diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm làm cho tổn thất
nghiêm trọng.
Thực
tiễn cách mạng miền Nam lúc này đang đặt những người trực tiếp lãnh đạo cách
mạng trước một bài toán khó: Nếu chấp hành đúng chủ trương đấu tranh chính trị
hòa bình của Trung ương thì bị chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình
Diệm tiêu diệt, nhưng nếu vũ trang để đối phó với chính quyền Diệm thì vi phạm
chủ trương, đường lối của Đảng.
Để bảo vệ lực
lượng cách mạng trong điều kiện khó khăn trên, nhiều địa phương ở miền Nam đã
có những sáng tạo riêng của mình trong quá trình vận dụng chủ trương của Trung
ương vào thực tiễn cách mạng như: chủ động rút lực lượng vũ trang vào các vùng
rừng núi, bưng biền để xây dựng căn cứ, bảo toàn lực lượng…
Đặc biệt một
số địa phương ở Nam bộ đã
lợi dụng danh nghĩa các giáo phái bị Diệm đàn áp để xây dựng lực lượng vũ trang
hoạt động công khai chống chính quyền Diệm, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh
chính trị của quần chúng.
Sự ra đời của
những lực lượng vũ trang cách mạng tự phát, dưới danh nghĩa các giáo phái li
khai chống Diệm trong những năm 1955, 1956 là một hướng đi đúng xuất phát từ
nhu cầu tồn tại của cách mạng miền Nam, nó chứng tỏ rằng cách mạng miền Nam không
thể thiếu lực lượng vũ trang.
Tháng 6 năm
1956, trước những bất lợi diễn biến quá nhanh của tình hình miền Nam, Bộ chính
trị đã ra nghị quyết xác định rằng: “tuy hình thức đấu tranh của ta trong toàn
quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, nhưng như thế không có nghĩa là không
dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định”; đồng thời còn nhấn mạnh:
“phải củng cố lực lượng vũ trang, nửa vũ trang hiện có, xây dựng các căn cứ làm
chỗ dựa, đồng thời phải xây dựng các cơ sở quần chúng vững chắc là điều kiện
căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang”[9: 148]
Tháng 8/1956,
đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam; trên cơ sở
nghiên cứu thực tiễn cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã xác định trong bản
đề cương rằng: “trước chính sách khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nhân dân miền Nam
không có con đường nào khác là phải đứng lên đập tan chính sách độc tài của Mĩ
- Diệm để tự cứu mình”.[6: 43]
Tháng 12 năm
1956, Hội nghị lần thứ II của Xứ ủy Nam
bộ do đồng chí Lê Duẩn chủ trì đã phân tích tình hình cách mạng miền Nam và bàn thảo nhiều vấn đề. Cuối cùng Xứ ủy đã
quyết định chủ trương “xé rào”, mở đường cho cách mạng miền Nam phát triển theo hướng có kết hợp đấu tranh
vũ trang; “con đường tiến lên của cách mạng miền Nam
phải dùng bạo lực của quần chúng đi lên tổng khởi nghĩa. Do nhu cầu cách mạng,
trong chừng mực nào đó phải có lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính
trị và tiến tới sau này dùng nó để đánh đổ Mĩ - Diệm”.[38: 20]
Và “cần có lực
lượng tự vệ vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới
sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mĩ - Diệm”. [38:
73]
Chủ trương “xé
rào” của xứ ủy Nam bộ đã mở ra một lối thoát tuy hẹp nhưng rất quan trọng đối
với sự tồn vong của Cách mạng miền Nam; ở Nam bộ, Nam Trung bộ, nhiều lực lượng
vũ trang bí mật đã được thành lập trở lại để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh
chính trị diễn ra có hiệu quả.
Ngày 2/7/1957,
tại Hội chợ Buôn Ma Thuột, lực lượng của ta đã ám sát hụt Ngô Đình Diệm; đến
tháng 10/1957, tại chiến khu Đ, ta đã thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của
miền Đông Nam bộ làm nòng cốt cho lực lượng vũ trang của Nam bộ sau này.
Tháng 4/1958,
ở Bắc Ái – Ninh Thuận, 3000 đồng bào đã nổi dậy phá khu tập trung. Sau đó, đồng
bào ta tiếp tục kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang bảo vệ buôn làng,
chống dồn dân…
Ngày
11/10/1958, lực lượng vũ trang của ta tiến công quận lị Dầu Tiếng (nay thuộc
Bình Dương) và là chủ quận lị trong 24 giờ. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của
ta, đánh dấu bước chuyển mới của cách mạng miền Nam
sau thời kì đấu tranh hòa bình.
Trước những
chuyển biến bất lợi cho cách mạng ở miền Nam, đầu năm 1957 Bộ chính trị đã tính
đến việc xây dựng một đường lối đấu tranh mới cho miền Nam; Đại tướng Võ Nguyên
Giáp và một số cán bộ cao cấp của Đảng được giao nhiệm vụ này. Mặc dù không
trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, chỉ qua theo dõi tình hình, những người soạn
thảo đường lối mới cũng đã nhận thấy được thực tế và nhận định: “địch dùng biện
pháp quân sự đàn áp nhân dân ta, tiếp tục đấu tranh hòa bình sẽ không có kết
quả, phải đấu tranh vũ trang mới đưa phong trào cách mạng tiến lên được”.[44:
216]
Tuy nhiên do
đường lối và quan điểm của Liên Xô và Trung Quốc là muốn chúng ta giải quyết
vấn đề thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình, không muốn ta dùng vũ lực.
Do đó, chủ trương chuyển cách mạng miền Nam
sang đấu tranh vũ trang đã không nhận được sự nhất trí cao trong Bộ chính trị.
Cuối năm 1957,
Đồng chí Lê Duẩn - tác giả của “Đề cương cách mạng miền Nam” được Trung ương
điều ra Hà Nội làm Bí thư thứ nhất và trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.
Đồng chí Lê Duẩn đã được Bác giao nhiệm vụ thay thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh đường lối mới cho cách mạng miền Nam.
3.3. Phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960)
3.3.1. Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung
ương Đảng khóa II
Những tổn thất to lớn của cách mạng miền Nam
trong giai đoạn 1954 – 1959 cho thấy, chủ trương đấu tranh chính trị hòa bình
đã không còn thích hợp, cách mạng miền Nam cần phải có một đường lối đấu tranh
mới. Ngày 13 tháng 01 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung
Ương Đảng khóa II mở rộng đã được khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.
Đến dự Hội nghị
lần này đặc biệt có các đồng chí lãnh đạo ở các địa phương như Phan Văn Đáng,
Phạm Văn Xô đến từ Xứ ủy Nam bộ, Trần Lương, Võ Chí Công đến từ Khu ủy Khu V.
Các đồng chí lãnh đạo này mang theo cả tình hình nóng bỏng của miền Nam, khí
thế cách mạng, thực tiễn cách mạng, kinh nghiệm và nguyện vọng thiết tha cháy
bỏng của nhân dân miền Nam là được vũ trang đánh giặc vào Hội nghị.
Hội nghị diễn
ra suốt cả tháng với nhiều cuộc thảo luận và bàn bạc sôi nổi, cuối cùng đã đi
đến thống nhất xác định nhiệm vụ và con đường cơ bản của cách mạng miền Nam như sau:
“Nhiệm vụ cơ
bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực
hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân
dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân
chủ và giàu mạnh.
Nhiệm vụ trước
mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược và gây
chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mĩ, thành
lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập
dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sông nhân dân, giữ vững hòa
bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân chủ, tích cực góp
phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”; [14: 81, 82]
“Con đường
phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam
ở miền Nam là khởi nghĩa
giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay
của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực
lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để
đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách
mạng của nhân dân”[14: 82].
Hội nghị kết
thúc với kết quả thống nhất như trên, nhưng nghị quyết chính thức của Hội nghị
vẫn chưa được hoàn chỉnh và chính thức thông qua. Nghị quyết được giữ bí mật và
chỉ được phổ biến cho những cán bộ chủ chốt của các xứ ủy, khu ủy và những
người tham dự hội nghị.
Trước khi
chuẩn bị trở về miền Nam, Đồng chí Phạm Văn Xô có hỏi Bác về chủ trương đấu
tranh vũ trang, Bác đã trả lời rằng: “dù sao cũng không thể để cách mạng miền
Nam chịu tổn thất hơn nữa. Xứ ủy các chú có phải là Đảng không? Trung ương ở
xa, các chú phải tùy tình hình, cân nhắc kĩ lưỡng mà quyết định và chịu trách
nhiệm”.[27: 268]
Đến tháng 5
năm 1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành trung Ương Đảng khóa
II (Xem phụ lục) mới hoàn chỉnh và chính thức được thông qua.
Lúc đó, nghị quyết chính thức của hội nghị mới được gởi về cho Xứ ủy Nam bộ và Khu ủy khu V… và đến cuối năm 1959 mới
chính thức phổ biến rộng rãi.
Nghị quyết Hội
nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II về đến các tỉnh thành
ở miền Nam không cùng một thời gian, nhưng đến đâu cũng được cán bộ, đảng viên
và nhân dân khao khát đón nhận; kết quả đó đã chứng tỏ rằng Nghị quyết đã đáp
ứng được mong mỏi của nhân dân miền Nam, đáp ứng được những yêu cầu quá bức xúc
của cách mạng. Phong trào Đồng Khởi ở
khắp miền Nam nổ ra trong
năm 1959 – 1960 chứng tỏ tính đúng đắn của bản nghị quyết này.
Có thể nói
rằng, nghị quyết 15 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa II đã cắm một mốc
son quan trọng trong lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, tạo nên một
bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam.
Trên đà thắng
lợi, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân
Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Từ
đây, Mặt trận sẽ trực tiếp lãnh đạo thống nhất phong trào cách mạng miền Nam chống Mĩ - Diệm.
3.3.2.
Phong trào Đồng Khởi ở Miền Nam
bùng nổ
Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Nghị
quyết 15 như một ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng; phong trào Đồng
Khởi bùng lên khắp miền Nam.
Mở đầu là cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Thạnh (Bình
Định) vào ngày 6/2/1959, tiếp sau đó là cuộc khởi nghĩa của nhân dân tại vùng
B’râu – huyện Bắc Ái tỉnh Ninh Thuận ngày 7/02/1959 phá khu tập trung của địch,
trở về quê cũ. Sau đó, cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp 12 xã thuộc huyện Bắc Ái
nổi dậy phá bỏ hệ thống kìm kẹp của địch ở địa phương, thành lập chính quyền
cách mạng…
Sau cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Thạnh, Bắc Ái,
chính quyền Sài Gòn tiếp tục đối mặt với một cuộc khởi nghĩa mới với quy mô lớn
hơn của Đảng bộ và nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi). Ngày 28/8/1959, 16.000 đồng
bào đã nổi dậy đấu tranh chính trị có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quét
sạch ngụy quyền ở 16 xã, bức rút 7 đồn địch, thành lập chính quyền cách mạng ở
thôn xã dưới hình thức Ủy ban nhân dân tự quản. Thắng lợi của Trà Bồng đã lan
rộng thêm 3 huyện khác: Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ.
Ở Nam bộ, ngày 26 tháng 9 năm 1959, tại Giồng
Thị Đam – Gò Quản Cung (Huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong – nay thuộc huyện Tân
Hồng, tỉnh Đồng Tháp) lực lượng vũ trang của tỉnh Kiến Phong (tiểu đoàn 502) đã
đánh bại hai tiểu đoàn của Ngụy.
Đây là trận đánh lớn nhất của ta ở Nam
bộ kể từ sau 1954. Đặc biệt vào đầu năm 1960, cao trào Đồng Khởi diễn ra mạnh
mẽ ở Bến Tre:
Ngày
17/01/1960, tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và
Bình Khánh (thuộc huyện Mỏ Cày) với gậy, gộc, súng ống… đồng lọat nổi dậy đánh
đồn bốt và giải tán chính quyền địch, phá bỏ tổ chức liên gia, tuyên bố quân
lệnh của cách mạng (“Bọn ác ôn có nợ máu và bọn địa chủ cướp ruộng đất của nông
dân sẽ bị trừng trị,… Binh sĩ, sĩ quan có tội đến đâu mà biết hối cải điều được
khoan hồng, nếu mang súng trở về với nhân dân sẽ được khen thưởng… Tề xã, liên
gia trưởng, công anm chỉ điểm, đi trả chức về với nhân dân sẽ được khoan hồng.
Ai trái lệnh sẽ bị nhân dân trừng trị” - Theo tư liệu của Bảo tàng Bến Tre).
Cuộc nổi dậy
lan khắp huyện Mỏ Cày và đến huyện Thạnh Phú, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri.
Trong vòng 8 ngày, cách mạng đã giải phóng 22 xã, bức rút 37 đồn bốt, thành lập
chính quyền cách mạng, chia ruộng đất cho dân cày nghèo.
Ngày
22/2/1960, địch huy động 10.000 quân chủ lực từ thị xã Bến Tre, Mĩ Tho, Trà
Vinh và Sài Gòn có sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến tấn công vào trung tâm
của phong trào Đồng Khởi. Quần chúng cách mạng và lực lượng của ta sau khi tiêu
hao sinh lực địch đã rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày
24/9/1960, Đảng bộ Bến Tre tiếp tục phát động đấu tranh đợt 2. Trong đợt này,
huyện Giồng Trôm được chọn làm địa bàn trọng điểm. Mở màn là trận đấu tranh chính
trị kết hợp với quân sự và binh vận của nhân dân ba xã Châu Phú, Châu Thời và
Châu Hòa đã hạ được 3 đồn địch ở đây một cách nhẹ nhàng, không có thương vong.
Sau thắng lợi này, phong trào Đồng Khởi lại lan rộng khắp tỉnh Bến Tre, giải
phóng được hoàn toàn 48 xã, san phẳng 60 đồn địch.
Từ Bến Tre,
phong trào lan rộng khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung
bộ. Ở Nam bộ, quân cách mạng
ở Tây Ninh đã giành thắng lợi bất ngờ ở Tua Hai vào ngày 26/01/1960 gây thương vong cho khoảng 400 tên,
hơn 1000 tên đầu hàng.
Đến cuối năm 1960, ta đã giải phóng được 600/1298 xã ở Nam bộ, 904/8329 thôn ở Trung bộ, 3200/5721 thôn
ở Tây Nguyên.
Đánh giá về sự
thất bại của chính quyền Diệm sau phong trào Đồng Khởi, Cục tình báo trung ương
Mĩ viết: “… một thời kì nghiêm trọng đối với tổng thống Ngô Đình Diệm và Việt
Nam Cộng Hòa hiện đã ở ngay trước mắt… Trên một nửa toàn bộ vùng nông thôn nằm
ở phía Nam và Tây Nam Sài
Gòn cùng như một số vùng ở phía Bắc đã nằm dưới quyền kiểm soát cuả cộng sản,…”[39:
102]
3.3.3. Ý nghĩa của phong trào Đồng Khởi
Phong trào
Đồng Khởi đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ ở miền
Nam; làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, làm cho mâu thuẩn
nội bộ của chính quyền Diệm ngày càng gia tăng: ngày 26/4/1960, một số chính
sách và chức sắc tôn giáo đã ra tuyên ngôn tố cáo Ngô Đình Diệm độc tài, đặc
biệt là cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm của các quân nhân ngụy bất thành
vào ngày 1/11/1960.
Đánh dấu bước
nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực
lượng sang thế tiến công và làm thất bại chiến lược “chiến tranh đơn phương”
của Mĩ - Diệm; chứng tỏ tính đúng đắn của Nghị quyết 15 và tính sáng tạo trong
quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
BÀI TẬP:
1. Đế quốc Mĩ
và tay sai đã thực hiện âm mưu và thủ đoạn gì ở miền Nam
sau Hiệp định Giơnevơ 1954?
2. Tại sao
Đảng chủ trương tiến hành đồng thời ở hai miền Bắc, Nam
hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau trong thời kì 1954 - 1975? Nội dung
và ý nghĩa của chủ trương đó như thế nào?
3. Cách mạng
từng miền Bắc, Nam và cách mạng cả nước trong thời
kì 1954 - 1975 đã thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đó như thế nào?
4. Cuộc đấu
tranh chống chế độ Mĩ - Diệm của nhân dân ta ở miền Nam
trong những năm đầu sau hiệp định Giơnevơ 1954 đã diễn ra như thế nào?
5. Phong trào
“Đồng Khởi” ở miền Nam (1959
- 1960) đã diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào? Chủ trương, diễn biến, kết quả,
ý nghĩa của phong trào “Đồng Khởi”.
4. Miền Bắc xây
dựng bước đầu cơ sở vật chất và kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (1961 - 1965)
4.1.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9 - 1960)
Đến cuối năm 1960, tình hình cách mạng ở hai
miền đã có những bước chuyển biến đáng kể: miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu
đáng kể trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đã giành được những thắng lợi đáng kể trong
phong trào Đồng Khởi. Thực tế đó đòi hỏi Đảng phải phải khẳng định đường lối
chiến lược và bước đi mới cho phù hợp.
Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã diễn ra. Tham dự Đại hội có 525 đại biểu
chính thức và 51 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã kiểm điểm công tác lãnh đạo của
Đảng trong 10 năm kể từ Đại hội II (2/1951), thảo luận và vạch ra đường lối đấu
tranh cho cả hai miền trong giai đoạn mới. Đại hội đã xác định nhiệm vụ mới của
cách mạng Việt Nam là:
Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu
tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng
thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống
nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam độc
lập, dân chủ, dân giàu, nước mạnh[37:147].
Đại hội cũng đã xác định rõ nhiệm vụ chiến
lược của cả hai miền là: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tăng cường mau
chóng lực lượng của miền Bắc về mọi mặt”[10: 30] và “trách nhiệm của
cách mạng ở miền Nam là phải trực tiếp làm nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của
đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”[10: 33].
Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương mới của
Đảng gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết; bầu Chủ tịch Hồ Chí
Minh làm Chủ tịch Đảng, và đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất.
Đại hội đã đánh dấu bước phát triển mới trong
quá trình xác định đường lối cách mạng ở hai miền Nam – Bắc, định hướng cho sự
phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1961 – 1975.
4.2. Miền Bắc thực hiện kế
hoạch Nhà nước 5 năm (1961 - 1965)
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, Đảng và Chính
phủ đã xác định miền Bắc là nền tảng, gốc rể đảm bảo cho sự thành công của cuộc
đấu tranh giành độc lập và thống nhất tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ III của Đảng (9/1960) đã xác định: phải tiến hành cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc, biến miền Bắc thành căn cứ địa vững chắc cho các mạng cả
nước. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đại hội đã đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
(1961 - 1965) nhằm bước đầu công nghiệp hóa nước nhà.
Từ năm 1961 đến năm 1965, nhân dân miền Bắc
đã dồn sức thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất với nhiều phong trào thi đua
sôi nổi như trong nông nghiệp có phong trào “đại phong”, trong công nghiệp có
phong trào "duyên hải", trong quân đội có phong trào "ba
nhất", trong thủ công nghiệp có phong trào "thành công"….
4.2.1.
Công nghiệp
Chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng đề
ra tại đại hội III là: "Xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối
và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền
tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức
phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông
nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện
đại". [15: 926]
Để thực hiện nhiệm vụ đó, nhà nước đã thực
hiện những biện pháp và chính sách nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ
thuật và quản lý, huy động và sử dụng vốn có hiệu quả, cải tiến kỹ thuật…
Kết quả sau 5 năm thực hiện, ngành công
nghiệp miền Bắc đã có những bước phát triển đáng kể trong tất cả các lĩnh vực:
Tính đến năm 1965, ngành điện tăng gấp 10 lần
so với năm 1955; ngành cơ khí tăng bình quân hàng năm là 30%.
Vốn dầu tư cho công nghiệp được ưu tiên hàng
đầu; nhờ vậy, trong giai đoạn này, một số nhà máy lớn đã được hoàn thành và đưa
vào sử dụng như: khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy hóa chất Việt Trì, phân đạm
Bắc Giang, Supper phốt phát Lâm Thao, …
Công nghiệp phục vụ nông nghiệp ngày cnàg
phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, hiện đại hóa nông
nghiệp: so với năm 1960 đến năm 1965, số cày cải tiến tăng 3,7 lần, máy bơm
nước tăng 10 lần thuốc trừ sâu tăng 8,1 lần.[28: 172] Sự phát triển trên
đã làm cho tổng giá trị sản phẩm ngành công nghiệp tăng từ 1248 triệu vào năm
1960 lên 2355 triệu vào năm 1965; tốc độ tăng bình quân hàng năm là 13,6%;
trong đó công nghiệp quốc doanh chiếm 93,1% tổng sản lượng.
4.2.2.
Nông nghiệp
Chủ trương của Đảng và nhà nước là tiếp tục
củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh làm cơ
sở cho sự phát triển nông nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm của nông nghiệp là giải
quyết vấn đề lương thực đồng thời coi trọng cây công nghiệp, chăn nuôi, mở mang
nghề cá, nghề phụ .. phấn đấu nâng cao mức sống của người nông dân, làm thay
đổi bộ mặt nông thôn miền Bắc.
Nông dân miền Bắc đã tích cực hưởng ứng những
chủ trương của Đảng, hăng hái thi đua tăng năng suất, khai hoang, tăng vụ, cải
tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật … làm cho nền nông nghiệp có những chuyển biến
tích cực:
Có trên 90% hộ nông dân đã vào hợp tác xã,
trong đó có 50% là hợp tác xã bậc cao; năm 1960, toàn miền Bắc có 4.300 hợp tác
xã bậc cao thì đến năm 1965 đã tăng lên 18.600 hợp tác xã.
Năng suất tăng hơn trước; năm 1965, có 9
huyện và 125 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ ha/năm.
Phương tiện, kỹ thuật canh tác ngày càng phát
triển: năm 1965 đã xây dựng được 3.139 điểm cơ khí nhỏ, 7 trạm máy kéo và 32
đội máy khéo, 33 công trình thủy lợi lớn.
Bên cạnh những thành quả trên, nền nông
nghiệp miền Bắc cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: trình độ quản lý
các hợp tác xã rất yếu, cơ sở vật chất vẫn còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng tuy nhiều
nhưng sử dụng kém hiệu quả... kết quả là nền nông nghiệp có phát triển so với
trước nhưng năng suất lại đi xuống, thu nhập của xã viên ngày càng giảm.
4.2.3.
Văn hóa, giáo dục và y tế
Đảng và Nhà nước chủ trương tiếp tục xóa bỏ
những tàn tích của chế độ cũ, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục để xây dựng
một nền văn hóa mới và con người mới Việt Nam.
Trong 5 năm (1961 - 1965) số trường phổ thông
tăng từ 7066 lên 10.294 trường, số trường đại học từ 9 trường lên 18 trường;
ngoài ra nhà nước còn ban hành các chế độ, chính sách phát triển giáo dục. Nhờ
vậy, số học sinh phổ thông tăng 3,5 lần, số sinh viên đạt 34.000 người, 6 vạn
học sinh trung cấp và cơ bản đã xóa được nạn mù chữ ở miền Bắc.
Mạng lưới y tế được xây dựng rộng khắp từ
thành thị đến nông thôn, tính đến năm 1965, đã có 70% số huyện có bệnh viện,
90% số xã đồng bằng và 78% số xã miền núi có trạm y tế với đội ngũ y bác sĩ,
tăng gấp 5 lần so với năm 1960 (1525 bác sĩ, 8043 y sĩ).
Đời sống văn hóa được nâng cao; hàng năm có
hơn 2000 đầu sách được xuất bản, số lượng thư viện tăng gấp 3 lần; đến 1965, có
gần 100 đơn vi nghệ thuật chuyên nghiệp, phim ảnh và các hình thức nghệ thuật
khác ngày càng phong phú; các tệ nạn xã hội ngày càng giảm.
4.2.4.
Quân sự, quốc phòng
Trong giai đoạn 1961 - 1965, Đảng và Nhà nước
ta đã tập trung cho việc xây dựng quân đội chính qui hiện đại theo kế hoạch
quân sự lần thứ hai để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Lực lượng vũ trang 3 thứ quân lớn mạnh không
ngừng cả về chất lượng và số lượng:
Các đơn vị tập kết từ miền Nam ra được tổ chức thành các lữ đoàn gọn nhẹ,
có hỏa lực tương đối mạnh, sẵn sàng trở lại chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ.
Tháng 6/1964, nhận thấy tình hình Mĩ leo
thang đánh phá miền Bắc, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về tăng cường công tác
phòng không nhân dân, sẵn sàng chiến đấu cao; quân số thường trực ở miền Bắc đã
lên tới 173.000 người, chiếm khoảng 1% dân số; lực lượng dân quân tự vệ được tổ
chức rộng khắp với số lượng lên tới ¼ triệu người…
Không quân và hải quân được chú trọng phát
triển: ta đã xây dựng 4 tiểu đoàn tàu ven biển với hơn 100 tàu các loại, một
trung đoàn không quân tiêm kích, sửa chữa 12 sân bay, quân chủng phòng không
được trang bị 1000 khẩu pháo cao xạ, hệ thống ra đa phòng không hiện đại.
Để đảm bảo yêu cầu bảo vệ miền Bắc và chi
viện cho miền Nam kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Chính phủ đã cho cải tạo, nâng
cấp và mở rộng hệ thống giao thông chiến lược ở cả 2 miền Nam - Bắc.
Công tác chi viện cho miền Nam trong giai đoạn 1961 - 1963 bắt đầu được
tăng cường: tổng cộng có 4 vạn cán bộ được chuyển vào miền Nam. Đến năm 1964, các đơn vị cơ động cấp trung
đoàn đã được đưa vào Nam.
4.2.5.
Hoạt động đối ngoại
Đảng ta đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại để
tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bè bạn quốc tế phục vụ cho sự nghiệp chống
Mĩ cứu nước, thực hiện hòa bình thống nhất đất nước.
Giữa năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang
thăm Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa. Sau đó, Chủ tịch nước
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa - Lưu Thiếu Kỳ đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc
thăm Việt Nam.
Tháng 2/1964 Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu
đoàn đại biểu Việt Nam sang
thăm Liên Xô. Sau đó đoàn đại biểu Liên Xô đã sang thăm nước ta…
Năm 1961, ta thiết lập quan hệ ngoại giao với
nhiều quốc gia: Chi Lê, Ma rốc, Cu Ba. Năm 1963, ta đã đặt đại sứ ở nhiều nước:
Angiêri, Yêmen, Côngô, Indonesia. Sự mở rộng quan hệ quốc
tế giai đoạn này đã giúp ta tranh thủ được sự đồng tình, giúp đỡ, ủng hộ to lớn
của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.
4.2.6.
Củng cố chính quyền
Để biểu thị quyết tâm của toàn thể dân tộc
Việt Nam trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam,
ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt.
Tại Hội nghị, Người đã khẳng định: "nếu đế quốc Mĩ liều lĩnh động đến miền
Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại"[28: 178] và kêu gọi
nhân dân miền Bắc phải "mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền
đáp lại cho đồng bào miền nam ruột thịt".[28: 178]
Ngày 26/4/1964, nhân dân miền Bắc tiến hành
bầu cử Quốc hội khóa III. Kết quả: 366 đại biểu trúng cử, trong đó có 71 đại
biểu là công nhân, 90 đại biểu là nông dân, 18 đại biểu là quân nhân, 98 đại
biểu làm công tác khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn học nghệ thuật, 60 đại biểu
thuộc các dân tộc thiểu số, 62 đại biểu nữ, 8 đại biểu là người tôn giáo. Ngoài
ra còn 87 đại biểu miền Nam
trúng cử khóa I được kéo dài nhiệm kỳ[28: 178].
Từ ngày 25/6 đến ngày 3/7/1964, kỳ họp thứ
nhất của Quốc Hội khóa III đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, Tôn Đức Thắng
làm phó Chủ tịch nước, Trường Chinh giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc
Hội; Phạm Văn Đồng giữ chức vụ Thủ thủ tướng Chính phủ.
Những thắng lợi trong việc thực hiện kế hoạch
5 năm lần thứ I (1961 - 1965) đã tạo cho miền Bắc một cơ sở kinh tế, chính trị
vững chắc để chống lại âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của Mĩ và chi
viện cho miền Nam.
5. Miền Nam chiến đấu chống
"Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ (1961 - 1965)
5.1. Mĩ tiến hành chiến lược "Chiến
tranh đặc biệt" ở miền Nam
5.1.1. Âm mưu chiến lược mới của Mĩ – “chiến
tranh đặc biệt”
Sau phong trào Đồng
Khởi, cuộc chiến tranh đơn
phương của Mĩ – Diệm (1954 - 1960) hoàn toàn thất
bại, Mĩ – Ngụy phải đối mặt với một thực tế là phong trào cách mạng miền Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Để tránh thất bại
hoàn toàn ở miền Nam, năm
1961, Ken – nơ – đi đã chuyển sang thực hiện một chiến lược chiến tranh mới –
“chiến tranh đặc biệt”.
Đây là hình thức
chiến tranh xâm lược kiểu mới của Mĩ được tiến hành bằng quân đội tay sai dưới
sự chỉ huy của hệ thống cố vấn quân sự Mĩ, dựa vào vũ khí, trang thiết bị kĩ
thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mĩ nhằm chống lại lực lượng cách
mạng và nhân dân ta. Thực chất đây là âm mưu dùng người Việt đánh người Việt
của Mĩ.
Ngày 29/4/1961, Hội
đồng an ninh quốc gia Mĩ đã phê duyệt “chương trình hành động của Mĩ ở Việt Nam”. Sau đó, Giôn – xơn được cử sang thị sát
tình hình miền Nam Việt Nam và kí với Ngô Đình Diệm bản tuyên bố chung 8 điểm,
nội dung của bản tuyên bố này là Mĩ tăng cường viện trợ quân sự, tăng thêm vũ
khi, chuyên gia quân sự… Sau chuyến đi của Giôn – xơn, tổng thống Ken – nơ – đi
đã cử phái đoàn hỗn hợp quân sự - kinh tế do Sta – lây dẫn đầu sang nghiên cứu
để xây dựng kế hoạch can thiệp vào miền Nam Việt Nam.
Kế hoạch của Sta – lây sau đó được Tay – lo bổ
sung hoàn chỉnh thành kế hoạch Sta-lây – Tay-lo gồm có 3 bước:
Bước 1: Bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng (bắt đầu từ giữa năm
1961 và kết thúc vào cuối năm 1962), tập trung dân vào 16.000 ấp chiến lược,
đồng thời gây dựng cơ sở gián điệp ở miền Bắc.
Bước 2:
trong năm 1963, tập trung khôi phục nền kinh tế miền Nam, tiếp tục hoàn tất
chương trình bình định, tăng cường thêm quân đội Sài Gòn, tiến hành các hoạt
động gây rối, phá hoại miền Bắc.
Bước 3: tập trung phát triển kinh tế miền Nam
và tấn công miền Bắc. Trong ba bước trên, Mĩ xác định bước 1 là quan trọng
nhất. [37: 156].
5.1.2. Mĩ – Ngụy triển khai thực hiện kế
hoạch Sta-lây – Tay-lo
Để thực hiện kế
hoạch như dự kiến, Mĩ đã tăng cường viện trợ tài chính cho chính quyền Ngô Đình
Diệm để đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn. Bên
cạnh đó, năm 1962, Mĩ còn đưa vào miền Nam khoảng 500 máy bay, trong đó chủ yếu
là trực thăng để thực hiện các chiến thuật tác chiến mới.
Nhờ vào viện trợ
của Mĩ, chính quyền ngụy đã nhanh chóng nâng quân số chính quy từ 15 vạn vào
năm 1960 lên đến 36,2 vạn vào năm 1962; đến cuối năm 1964 quân số ngụy tăng đến
56 vạn; bên cạnh đó còn có 17,4 vạn quân bảo an và 128 đội dân vệ ở khắp các
ấp, xã[37: 156].
Vũ khí và phương
tiện chiến tranh của lực lượng ngụy quân trong giai đoạn này cũng được hiện đại
hóa: Mĩ trang bị cho ngụy quân những loại vũ khí hiện đại, máy bay, xe thiết
giáp, phương tiện thông tin hiện đại, cho phép chúng triển khai các chiến thuật
chiến tranh hiện đại: “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.
Bên cạnh đó, Mĩ còn
đưa lực lượng cố vấn quân sự và hỗ trợ chiến tranh vào miền Nam Việt Nam với số
lượng ngày càng lớn nhằm đảm nhiệm vai trò chỉ huy cuộc chiến chống lại cách
mạng và nhân dân miền Nam.
Ngày 08/02/1962, Mĩ
thành lập Bộ chỉ huy quân sự MACV (Militari Assistance Command Vietnam) tại Sài
Gòn để điều hành, chỉ huy quân Mĩ – Ngụy.
Dựa vào sự hỗ trợ
và chỉ huy của cố vấn Mĩ, Ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét nhằm
tiêu diệt lực lượng cách mạng; tiến hành nhiều họat động phá hoại miền Bắc,
kiểm soát, phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chăn sự tiếp viện của miền
Bắc vào miền Nam.
Cùng với việc càn
quét, Mĩ – ngụy ráo riết tiến hành dồn dân, lập “ấp chiến lược”
để tách lực lượng cách mạng khỏi quần chúng. Thực chất đây là một cuộc chiến
tranh tổng lực trên tất cả các mặt kinh tế, quân sự, xã hội… nhằm tiêu diệt các
cơ sở cách mạng ở nông thôn.
Ngày 19/10/1961, tuyên bố tình trạng khẩn
cấp, kéo dài thêm thời hạn quân dịch, tiến hành các cuộc hành quân càn quét,
dồn dân với sự hỗ trợ của các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”.
Năm 1962, quân Mĩ – Ngụy đã mở 20 chiến dịch
lớn đánh vào vùng giải phóng nhằm tiêu diệt lực lượng du kích của ta và dồn dân
vào các ấp chiến lược.
Nghiêm trọng hơn, Mĩ đã dùng chất độc hóa học
để phát quang các vùng căn cứ cách mạng, đường hành lang dọc theo dãy Trường Sơn
và nhiều căn cứ cách mạng khác – nơi chúng không thể hành quân càng quét được.
5.2. Chiến đấu chống chiến lược "Chiến
tranh đặc biệt" của Mĩ
5.2.1.
Hoàn chỉnh về tổ chức và chủ trương lãnh đạo cách mạng
Hội nghị Bộ chính
trị Trung ương Đảng tháng 01/1961 đã ra nghị quyết nêu rõ: “thời kì tạm ổn định
của chế độ Mĩ – Diệm đã chấm dứt và thời kì khủng hoảng triền miên bắt đầu; các
hình thái du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, mở đầu cho một cao
trào cách mạng ở miền Nam”[7:
60] và đề ra phương hướng đối phó bằng
cách phải tiến hành một “cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của nhân dân để lật
đổ chính quyền Mĩ – Diệm, để giải phóng miền Nam”[7: 60].
Để thực hiện được
những nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị đã chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng
chính trị quân sự và đoàn kết nhân dân miền Nam dưới Mặt trận dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam. Trong năm 1961 và 1962, nhiều tổ chức chính trị, quân
sự và đoàn thể đã được thành lập:
Đến cuối năm 1962,
Mặt trận dân tộc giải phóng đã có trên 20 tổ chức chính trị lớn với
một lực lượng quần chúng tham gia đông đảo.
Tháng 01/1961,
Trung ương cục miền Nam
thành lập thay cho Xứ ủy Nam
bộ cũ. Ngày 15/02/1961, các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam đã thống nhất thành quân giải phóng miền Nam
Việt Nam. Đến ngày
01/01/1962, Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam
thành lập và trở thành một bộ phận của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam.
Ngày 16 tháng 2 năm 1962, Mặt trận Dân tộc
giải phóng miền Nam Việt Nam
đã họp đại hội lần thứ nhất. Đại hội đã bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch
và đề ra 4 chủ trương cứu nước:
1. Đế quốc Mĩ phải đình chỉ chiến tranh xâm
lược miền Nam.
2. Giải tán các ấp chiến lược.
3. Thành lập ở miền Nam một chính phủ liên hiệp dân tộc.
4. Tiến hành đường lối đối ngoại hòa bình
trung lập.
Cũng trong tháng 2 năm 1962, Bộ chính trị đã
ra Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, trong đó nêu rõ:
“cần phải đấu mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, củng cố và mở
rộng căn cứ địa,
giành và giữ thế chủ động, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt…, phá cho kì
được ấp chiến lược”, coi đây là công tác cấp bách đồng thời là nhiệm vụ lâu
dài, đẩy cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới. Kế hoạch quân sự năm 1962 là
phá cho kì được “chương trình bình định 18 tháng” của Mĩ – Diệm”.[37: 159]
5.2.2. Đánh bại kế hoạch Sta-lây – Tay-lo
(1961 – 1963)
5.2.2.1. Trên mặt trận chính trị
Tháng 3 năm 1962, nhân dân 6 tỉnh Bình Dương,
Bình Long, Phước Long, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định nổi dậy cùng lực lượng vũ
trang đánh trả quyết liệt cuộc hành quân của 8000 quân Diệm; cuộc đấu tranh kéo
dài 3 tháng. Địch đã xả súng vào đoàn người biểu tình, sát hại hơn 500 người và
bắt đi hơn 1300 người, đốt hàng ngàn ngôi nhà.
Ngày 8/5/1963,
20.000 tăng ni, phật tử ở Huế biểu tình phản đối chính quyền Diệm cấm treo cờ
phật, chính quyền Diệm đàn áp làm cho phong trào lan rộng khắp cả nước. Ngày 11/6/1963, tại Sài Gòn, hòa thượng Thích
Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo.
Ngày 16/6/1963, 70 vạn quần chúng Sài Gòn lại
biểu tình làm cho chế độ Mĩ - Diệm lay chuyển.
5.2.2.2. Trên mặt trận chống
phá “bình định”
Cuộc đấu tranh
giữa ta và địch trong việc lập, phá ấp chiến lược rất quyết liệt:
Đầu tháng 2
năm 1962, 9 tiểu đoàn địch đánh vào U Minh để dồn 60.000 dân vào ấp chiến lược,
nhân dân ở đây đã kéo đến trụ sở chính quyền ngụy để đấu tranh đòi chấm dứt càn
quét.
Tháng 4/1962, hơn 10.000 quần chúng nhân dân
tỉnh Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) đã kéo vào thị xã và các trung tâm hành
chính các huyện, xã bao vây chính quyền địch, đấu tranh đòi bãi bỏ lệnh gom dân
lập ấp chiến lược. Trước sức ép của nhân dân, chính quyền địch ở đây đã nhượng
bộ và chấp nhận một số yêu sách của nhân dân. Ngày 12/4/1962, khoảng 3 vạn đồng
bào tỉnh Mĩ Tho (nay thuộc Tiền Giang) đã nổi dậy phá tan nhiều “ấp chiến
lược”.
Trước phong
trào đấu tranh của quần chúng, địch đã phản công quyết liệt gây tổn thất nặng
nề cho quần chúng nhân dân: chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 1962, 36.000 người
thiệt mạng.[28: 185] Tại
vùng Đồng bằng sông Cửu Long, địch đã gom gần 2 triệu dân vào các ấp chiến
lược, đẩy lực lượng du kích và các cán bộ cách mạng đứng trước nguy cơ không
còn chỗ đứng chân.
Mặc dù vậy,
nhân dân ta vẫn đấu tranh quyết liệt, đến cuối năm 1962, trên toàn miền Nam có
2665 ấp chiến lược bị phá, 115 ấp được xây thành làng chiến đấu, giải phóng
hoàn toàn 6,5/14 triệu dân.[37: 160]
Trong năm 1963, trên toàn miền Nam có 23
triệu lượt người tham gia chống địch càn quét, gom dân lập ấp chiến lược; ta đã
phá 2.895 ấp chiến lược (trong tổng số 6.164 ấp do địch lập ra), giải phóng
12.000 thôn, ấp.[37: 162]
5.2.2.3. Trên mặt trận quân sự
Đầu năm 1962,
lực lượng vũ trang ở Khu V đã tiến công tiêu diệt quận lị Trà Mi (Quảng Nam),
Trà Bồng (Quảng Ngãi) và các cứ điểm Định Quang, Hương Nhơn (Bình Định), An
Lĩnh, Hòn Ngang (Phú Yên), Hữu Đức, Từ Lâm (Ninh Thuận). Năm 1962, quân giải
phóng cùng với nhân dân đã liên tiếp đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của
ngụy vào chiến khu Đ, phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn…; đặc biệt là sự kiện ngày
26/6/1962, các chiến sĩ biệt động của ta đã đánh kho xăng sân bay Tân Sơn Nhất
đốt cháy hàng triệu lít xăng gây chấn động chính trường miền Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do chưa có
kinh nghiệm đối phó với những chiến thuật quân sự mới của địch (“trực thăng
vận” và “thiết xa vận”) và chưa kết hợp giữa quân sự với chính trị trong tiến
công kẻ thù nên phong trào đấu tranh gặp khó khăn và tổn thất khá lớn.
Trước tình hình đó, Trung ương cục miền Nam
và Bộ tư lệnh quân giải phóng đã tổng kết và phổ biến kinh nghiệm cho các địa
phương và thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi” – chính trị - quân sự và
chính trị - quân sự - binh vận. Đồng thời sau khi lực lượng quân giải phóng
được thành lập, công tác tổ chức và huấn luyện quân đội được chú trọng, miền
Bắc cũng tăng cường chi viện cho miền Nam.
Nhờ những biện pháp kịp thời đó, phong trào cách mạng bắt đầu dần dần phục hồi
và phát triển.
Trong 3 tháng cuối năm 1962, lực lượng vũ
trang các tỉnh Cà Mau, Mĩ Tho, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Bình
Dương phối hợp với bộ đội miền và du kích liên tục đánh bại nhiều cuộc tấn công
của địch. Tại Liên khu V, lực lượng cách mạng ở Bình Thuận, Quảng Nam đã giành được nhiều thắng lợi. Những thắng
lợi của ta ở miền Nam đã đẩy
địch vào tình trạng bế tắc. Ngày 22/12/1962, Tổng thống Ken – nơ – đi phải thừa
nhận rằng cuộc chiến tranh Việt Nam
vẫn “đang ở trong đường hầm chưa thấy lối ra”.
Mặc dù vậy, sang đến năm 1963, các cuộc hành
quân cơ động, chớp nhoáng nhờ chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”
của địch vẫn là một thách thức lớn đối với cách mạng.
Tháng 01/1963, quân dân miền Nam đã giành chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc – Mĩ
Tho. Với lực lượng ít hơn địch 10 lần, ta đã đánh bại cuộc hành quân càn quét
của hơn 20.000 quân ngụy dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ và hỗ trợ của pháo binh,
xe bọc thép và máy bay lên thẳng; diệt 450 tên (9 cố vấn quân sự Mĩ), 16 máy
bay lên thẳng, 3 xe bọc thép và một tàu chiến.
Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ quân dân miền Nam
có khả năng đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt và chiến thuật
“thiết xa vận”, “trực thăng vận” của Mĩ – Ngụy.
Sau chiến thắng Ấp Bắc, Trung ương cục đã
phát động phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên khắp miền Nam
nhằm tiến lên từng bước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ –
Ngụy.
Những thắng lợi của ta trên mặt trận quân sư,
chính trị đã làm cho mâu thuẫn nội bộ chính quyền ngụy trở nên sâu sắc và Mĩ
nhận thấy Ngô Đình Diệm với nền chính trị độc tài không thể giúp Mĩ trong cuộc
xâm lược Việt Nam. Và Mĩ đã quyết định “thay ngựa giữa đường”. Ngày 01/11/1963,
Mĩ đã ủng hộ nhóm tướng lĩnh ngụy do tướng Dương Văn Minh cầm đầu làm đảo chính
lật đổ Ngô Đình Diệm. Cuối cùng, nền “đệ nhất cộng hòa” với học thuyết “cần lao
nhân vị” do Mĩ dựng lên đã hoàn toàn sụp đổ; kế hoạch Sta-lây – Tay-lo nhằm
bình định miền Nam trong vòng 18 tháng với quốc sách “ấp chiến lược” của Mĩ bị
phá sản.
5.2.3. Đánh bại kế hoạch Giôn-xơn – Mc.
Na-ma-ra (1964 – 1965)
5.2.3.1.
Kế hoạch Giôn-xơn – Mc. Na-ma-ra
Sau 18 tháng triển khai thực hiện kế hoạch
Stalây-Taylor, Mĩ – Ngụy chỉ đạt được mục tiêu tăng cường lực lượng, biên chế,
cải tiến trang bị, sắp xếp lại tổ chức cho quân đội Sài Gòn, còn lại các mục
tiêu khác không đạt được như dự kiến: gom dân lập “ấp chiến lược” đạt khoảng
31,7% với 6/14 triệu dân, không tiêu diệt được lực lượng du kích và lực lượng
vũ trang cách mạng.
Ngày 22/11/1963, Tổng thống Ken – nơ – đi bị
ám sát, phó tổng thống Giôn – xơn lên thay. Giôn – xơn tuyên bố Mĩ sẽ tiếp tục
ủng hộ và trợ giúp chính quyền Sài Gòn chống lại “chế độ cộng sản”.
Mĩ tăng cường viện trợ quân sự cho chính
quyền Sài Gòn: tăng lực lượng pháo binh lên 1,2 lần, không quân tăng 1,5 lần,
tàu chiến tăng 1,1 lần so với năm 1962; đến cuối năm 1963, lực lượng cố vấn và
yểm trợ của Mĩ ở Việt Nam đã lên đến 22.000 người và năm 1964 là 26.200 người.
Giôn – xơn đã phê duyệt kế hoạch Rôx - tốp
nhằm oanh tạc miền Bắc nước ta, đồng thời cử Bộ trưởng quốc phòng Mc. Na - ma -
ra và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tay – lo sang Việt Nam thị
sát tình hình và xây dựng một kế hoạch quân sự mới thay thế cho kế hoạch Stalây
– Taylor.
Tháng 3 năm 1964, Giôn-xơn đã thông qua kế
hoạch do Mc. Na-ma-ra đề xuất để tiếp tục thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc
biệt” gọi là kế hoạch Giôn-xơn – Mc. Na-ma-ra. Nội dung của kế hoạch gồm có 5
điểm cơ bản như sau:
1. Tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của Mĩ, hệ
thống yểm trợ, hậu cần, tăng viện trợ vũ khí, trang thiết bị, kĩ thuật cho quân
đội Sài Gòn.
2. Tăng quân số cho quân đội Sài Gòn.
3. Xúc tiến hơn nữa lập ấp chiến lược.
4. Ra sức bình định tập trung vào các tỉnh
xung quanh Sài Gòn trong 2 năm (1964 - 1965).
5. Dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào, đe dọa gây sức ép buộc miền Bắc phải
ngưng chi viện cho miền Nam.[28: 193]
So với kế hoạch Stalây – Taylo, kế hoạch mới
này kéo dài hơn 6 tháng và mục tiêu giảm xuống chỉ bình định miền Nam có trọng
điểm, chủ yếu xung quanh Sài Gòn – Gia Định.
Để thực hiện kế hoạch này, Mĩ tăng cường viện
trợ về mọi mặt cho chính quyền Sài Gòn,
huy động các đồng minh tham gia yểm trợ cho quân đội Sài Gòn và chuẩn bị tấn
công miền Bắc nước ta.
Được sự giúp đỡ của Mĩ, ngày 13 tháng 2 năm
1964, Nguyễn Khánh đã ra sắc lệnh 93 tuyên bố “đặt cộng sản ngoài vòng pháp
luật” và hô hào “Bắc tiến”.
5.2.3.2.
Kế hoạch Giôn-xơn – Mc. Na–ma-ra thất bại
Tháng 12 năm 1963, Ban chấp hành Trung ương
Đảng họp Hội nghị lần thứ 9 đã khẳng định phương châm của chiến tranh cách mạng
miền Nam là kết hợp song song giữa đấu tranh quân sự với đầu tranh chính trị.
Tháng 01 năm 1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam đã kêu gọi quân và dân miền Nam “dốc toàn lực, thực hiện đến cùng cuộc
kháng chiến toàn diện và trường kì chống đế quốc và tay sai bán nước”[Dẫn
lại; 37: 163]
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 và
lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng, trong 2 năm 1964 – 1965, nhân dân
miền Nam đã cùng với quân cách mạng đứng lên đấu tranh và giành được nhiều
thắng lợi trên tất cả các mặt trận: chính trị, quân sự và chống phá bình định:
Trên mặt trận chính trị:
Phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị
(Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng…) tiếp tục lên cao, đặc biệt là sau khi Nguyễn Khánh ra
những sắc lệnh phát xít mới và chính quyền Ngụy sát hại anh Nguyễn Văn Trỗi
(15/10/1964).
Nổi bật nhất là phong trào đấu tranh chống âm
mưu thiết lập chế độ độc tài quân phiệt ở miền Nam
của Nguyễn Khánh. Được sự hậu thuẫn của Mĩ, ngày 16 tháng 8 năm 1964, Nguyễn
Khánh đã cho ra đời bản “Hiến chương Vũng Tàu”. Ngay sau khi bản Hiến chương
này ra đời, Nguyễn Khánh đã trở thành “Chủ tịch nước Việt Nam Cộng Hòa” kiêm
Thủ tướng và Chủ tịch Hội đồng quân lực.
Ngay sau đó, ngày 17 tháng 8 năm 1964, sinh
viên Huế đã đấu tranh chống lại Hiến chương Vũng Tàu. Sau đó, phong trào lan
rộng khắp các đô thị miền Nam.
Nhân dân Sài Gòn đã biểu tình bao vây Dinh Độc Lập đòi Nguyễn Khánh từ chức.
Trước sức ép của quần chúng, Nguyễn Khánh đã
thu hồi Hiến chương Vũng Tàu, giải tán Hội đồng quân lực. Chính quyền Sài Gòn
liên tiếp lâm vào tình trạng rối ren, các cuộc đảo chính và thay đổi chính phủ
diễn ra liên tiếp. Từ ngày 01/11/1963 đến ngày 19/6/1965, ngụy quyền Sài Gòn đã
trải qua 10 cuộc đảo chính và thay đổi chính phủ lớn nhỏ khác nhau:
1. Ngày 01/11/1963, Dương Văn Minh cầm đầu
Hội đồng tướng lĩnh đã làm đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm.
2. Ngày 30/01/1964, Hội đồng quân lực do
Nguyễn Khánh cầm đầu đã làm đảo chính lật đổ Dương Văn Minh.
3. Ngày 27/8/1964, Nguyễn Khánh chỉnh lí giải
tán Hội đồng quân lực, thiết lập “tâm đầu chế” gồm: Dương Văn Minh - Nguyễn
Khánh - Trần Thượng Khiêm.
4. Ngày 13/9/1964, Lâm Văn Phát và Dương Văn
Đức đảo chính bất thành.
5. Ngày 30/9/1964, Nguyễn Khánh thành lập
“Thượng hội đồng” do Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch.
6. Ngày 20/10/1964, Nguyễn Khánh làm “đảo
chính bộ phận”, giải tán Thượng hội đồng.
7. Ngày 25/10/1964, dưới sức ép của Mĩ,
Nguyễn Khánh phải rời khỏi chính quyền, Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng và
Trần Văn Hương làm thủ tướng.
8. Ngày 27/01/1965, Nguyễn Khánh làm “đảo
chính toàn bộ” giải tán chính phủ Trần Văn Hương, đưa Phan Huy Quát lên làm thủ
tướng.
9. Ngày 19/2/1965, “Hội đồng quân lực” do
Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu, loại Khánh ra khỏi quân đội.
10. Ngày 19/6/1965, “Hội đồng quân lực” lật
đổ chính quyền của Phan Khắc Sửu và Phan Huy Quát, lập “ủy ban lãnh đạo quốc
gia” do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và “ủy ban hành pháp trung ương” do
Nguyễn Cao Kì làm chủ tịch.
Trên mặt trận chống phá “bình
định” ở nông thôn:
Sau khi Ngô Đình Diệm bị giết, nhân dân khắp
các tỉnh ở miền Nam đã nổi dậy phá các “ấp chiến lược”, lập chính quyền cách
mạng ở nông thôn.
Trong năm 1964 và đầu năm 1965, từng mảng lớn
ấp chiến lược do địch lập nên đã bị ta phá, nhiều ấp chiến lược đã trở thành
căn cứ cách mạng, vùng tự do của ta ngày càng được mở rộng. Đến giữa năm 1965,
số đồn bốt trực tiếp kìm kẹp nhân dân cũng bị tan rã còn lại 2900 đồn (năm 1963
là 4500 đồn); số ấp chiến lược của địch chỉ còn 1300 ấp với 5,5 triệu dân (cuối
năm 1964, địch vẫn còn 3300 ấp).
Trên mặt trận quân sự:
Trong nửa đầu năm 1960, quân và dân miền Nam
đã liên tiếp tấn công địch trên khắp chiến trường miền Nam: chiến thắng Thạnh
Phú - Bến Tre (01/1964), tập kích trại sĩ quan Mĩ tại Kontum (02/02/1964), tiêu
diệt chi khu quân sự Vĩnh Thuận - tỉnh Rạch Giá (4/1964), đánh chìm tàu sân bay
Cader ở Sài Gòn (2/5/1964)…
Tháng 8 năm 1964, lực lượng của ta đã đánh
sập khách sạn Caraven diệt hàng chục tên Mĩ; tháng 12/1964, đánh mìn khách sạn
Brink làm chết và bị thương 68 sĩ quan Mĩ.
Kết hợp với đấu tranh chính trị, cuối năm
1964 đầu năm 1965, quân dân Đông Nam Bộ mở chiến dịch tiến công Đông – Xuân
1964 -1965:
Ngày 02/12/1964, bộ đội chính quy và quân địa
phương đã phối hợp tấn công vào “ấp chiến lược” Bình Giã (tỉnh Bà Rịa). Sau 6
ngày đêm tấn công, ta đã tiêu diệt 1700 tên (trong đó có 60 cố vấn quân sự Mĩ)[3:
234], phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Sau chiến thắng Bình Giã, quân ta đẩy mạnh
cuộc tiến công xuân – hè 1965 và liên tiếp giành được thắng lợi ở An Lão - Bình
Định (12/1964), Ba Gia - Quảng Ngãi (6/1965), Đồng Xoài - Biên Hòa (6/1965).
Từng đơn vị lớn của địch đã bị ta tiêu diệt hoặc làm cho tổn thất lớn, quân đội
Sài Gòn không còn đủ sức đương đầu với các cuộc tấn công lớn của quân giải
phóng; âm mưu sử dụng quân đội Sài Gòn làm nòng cốt trong công tác bình định
miền Nam của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ phá sản. Những chiến
thắng trên của quân và dân giải phóng đã đánh dấu sự phá sản của kế hoạch Giôn
xơn – Mc. Na - ma - ra.
Mc. Na – ma – ra đã báo cáo trước Nhà Trắng
và Quốc hội Mĩ về kết quả sau 2 năm thực hiện kế hoạch do chính ông đề xuất như
sau: “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn
đã thất bại”.[28: 199] Nội dung của bản báo đó chính là lời thừa nhận
thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở Việt Nam.
BÀI
TẬP:
1. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của
Đảng (9/1960) đã họp trong hoàn cảnh như thế nào? Nội dung và ý nghĩa?
2. Miền Bắc đạt được những thành tựu gì trong
thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 -1965)? Ý nghĩa của những thành tựu đạt
được?
3. Chứng minh nhận định của Chủ Tịch Hồ Chí
Minh trong "Báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt" ngày 27-3-1964:
"Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta tiến những bước dài chưa từng thấy
trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới".
4. Tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc
biệt" ở miền Nam (1961
- 1965), đế quốc Mĩ thực hiện âm mưu và dùng thủ đoạn gì?
5. Quân dân ta ở miền Nam chiến đấu chống chiến lược "Chiến tranh
đặc biệt" của đế quốc Mĩ và đã giành được thắng lợi như thế nào? Ý nghĩa
của thắng lợi đó?
,2 Tháng 02 năm 1956, tại Đại
hội lần thứ XX của Đảng Cộng Sản Liên Xô, Khrushchev đã đưa ra một kế hoạch xây
dựng kinh tế hết sức lớn lao nhằm đuổi kịp và vượt Mĩ trong một thời gian ngắn
(khoảng 15 năm). Để có thể dồn sức cho kế hoạch này, Khrushchev cho rằng cần
phải có một nền hoà bình vững chắc, mà trong điều kiện so sánh lực lượng lúc
đó, không gì khác hơn là hoà dịu Xô – Mĩ và cần tiến hành một số cải cách trong
nước. Phát xuât từ ý định đó, Khrushchev đưa ra hai luận điểm:
Chống tệ sùng
bái cá nhân Stalin.
Cùng tồn tại hoà
bình, thi đua hoà bình giữa hai hệ thống thế giới và quá độ hoà bình từ Chủ
nghĩa Tư bản chuyển sang chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đường lối hoà hoãn giữa
Mĩ và Liên Xô trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng trên thế giới; trong đó có Việt
Nam.
Đây là lực lượng có vũ
trang đang chiếm giữ vùng Tây Bắc Sài Gòn (từ 15.000 đến 20.000 quân).
Khoảng
10.000 đến 15.000 quân) đang chiếm giữ nhiều khu vực ở Đồng Bằng sông Cửu Long.
“Tín đồ Hoà Hảo đa số là nông dân, đông nhất ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc (độ
500.000). Bộ đội Hoà Hảo trong kháng chiến theo Pháp đánh với ta. Đồng bào Hoà
Hảo một thời gian cũng chống ta gay gắt về sau quan hệ với ta được cải thiện
dần nhưng cơ sở của ta trong vùng Hoà Hảo còn rất ít”[Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2005, tập 20,
trang 37 – 41].
Thông thường mỗi đợt tố
cộng, chúng thường thực hiện các bước cơ bản sau:
Bước 1: Phân loại nhân dân. Tùy
theo mức độ thân sơ của người dân với cách mạng mà chúng xếp thành 3 loại: Gia
đình loại A: Là những gia đình kháng chiến cũ, gia đình có người tham gia tập
kết, những người yêu nước thiết tha với hoà bình độc lập, thống nhất mà địch
gọi chung là Việt cộng. Chúng coi đây là những gia đình bất hợp pháp và bắt
phải treo biển đỏ - cộng sản trước nhà để tiện cho việc kiểm soát; Gia đình
loại B: là nhưng gia đình có họ hàng thân thuộc với những gia đình loại A hoặc
có những mối quan hệ nhất định với cách mạng. Chúng coi đây là những gia đình
“nửa hợp pháp” và bắt phải treo biển vàng – thân cộng; Gia đình loại C: là
những người không có liên hệ với cộng sản và những người ủng hộ chính quyền
Diệm. Những gia đình này được chính quyền Diệm coi là hợp pháp và treo biển
xanh trước nhà.
Bước 2: Trên cơ sở phân loại nhân
dân, chúng mở các lớp học tập với những nội dung phù hợp từng đối tượng kết hợp
tuyên truyền xuyên tạc sự thật, nói xấu cách mạng, gây tâm lí hoài nghi trong
nhân dân.
Bước 3: tổ chức các buổi tố cộng,
bắt mọi người phải tố giác cộng sản (kể cả người thân trong gia đình) xé cờ
Đảng, đốt ảnh Bác Hồ, tuyên bố li khai Đảng. Ai không làm, chúng cho là phản
quốc.
Nhân ngày ngừng bắn ở Nam
bộ (01/8/1954), 50.000 đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn, phần lớn là công nhân nhà
đèn, bến cảng và các tầng lớp tiểu thương, tri thức, học sinh, quần chúng lao
động, đã xuống đường biểu tình mừng hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơ – ne –
vơ. Tại Đà Nẵng có 25.000 người, tại Huế có 15.000 người tham gia biểu tình mừng
hòa bình.
Cũng trong ngày 01/8/1954,
được sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, các đại biểu tri thức và lao động
đã thành lập “phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn”, ra tuyên bố nêu rõ tôn
chỉ, mục đích của phong trào là đấu tranh cho hòa bình ở Đông Dương được củng
cố, quyền tự do dân chủ được đảm bảo, nước Việt Nam được thống nhất bằng tổng
tuyển cử tự do trong cả nước.
Tại Sài Gòn, phong trào lan
rộng ra Đà Nẵng, Huế. Phong trào thu hút nhiều tri thức tên tuổi tham gia, như
luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, giáo sư Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn
Dưỡng, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, bác sĩ Lê Khắc Khuyến, Võ Đình Cường,…(Trần Bá Đệ
(Chủ biên, Giáo trình Lịch sử Việt Nam 1945 – 1975, Nxb ĐHSP, HN, 2007, Trang
138).
Về nguồn gốc của từ “Đồng
Khởi”, theo nữ tướng Nguyễn Thị Định, trong Hội nghị của thường vụ tỉnh ủy Bến
Tre ngày 02/01/1960 nhằm quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương mới xuất hiện.
Trong hồi kí của mình, Bà viết: “về hai chữ Đồng Khởi, đến hội nghị này mới
thành hẳn tên gọi. Khi tôi lên họp Hội nghị Khu ủy (Khu 8 - tg), các anh cũng
chưa đặt ra. Và sau đó cũng không phải riêng một người nào đề xuất cả.
Trong hội nghị này, thảo
luận hết, ai cũng nói cả, tới khi tôi gom lại ý kiến kết luận phát động một
tuần lễ toàn dân Đồng Khởi thì các đồng chí đều nhất trí. Thế là thành tên gọi
chính thức. Thật ra, hai chữ Đồng Khởi riêng trong đầu óc tôi vẫn liên tưởng từ
cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám mà ra. Ngụ ý là phải nhất tề nổi dậy một
lượt như khởi nghĩa tháng Tám mới thắng được.
(Nguyễn Thị Định, Không còn
con đường nào khác - hồi kí, Trần Hương Nam ghi, Nxb Văn học Giải phóng, Gia
Định, 1976, trang 120)
Ngày 25/9/1959, ban chỉ huy
tiểu đoàn 502 đang đóng quân tại Giồng Thị Đam (Tân Hộ Cơ - Hồng Ngự), điều đại
đội Bảy Phú (Thanh Bình) cùng một bán đội của đại đội Năm Bình về đây chuẩn bị
mở đợt hoạt động trên tuyến sông Sở Hạ. Lực lượng này có 42 đồng chí, trang bị
35 khẩu súng (có 3 trung liên).
Không ngờ trong thời điểm
này, quân khu 5 của địch điều 2 tiểu đoàn của trung đoàn 42 thuộc sư đòan 23 bộ
binh ngụy và một giang lực gồm một tàu LCM, hai tàu Phum định đánh diệt quân
giải phóng tại căn cứ Hồng Ngự và bảo về công trình kênh đào An Long.
Sáng sớm 26/9/1959, đại đội
Bảy Phú và phân đội của đại đội Năm Bình đã có mặt ở Giồng Thị Đam. Vào khoảng
9 giờ 30 phút, trinh sát của ta phát hiện có địch hành quân bằng xuồng trên
đường cộ cặp theo giồng Giàng. Lúc đầu ta tưởng là Bảo an, dân vệ; nhưng khi
đến gần, mới biết là quân chủ lực. Chỉ huy tiểu đoàn 502 - tiểu đoàn trưởng Tám
Dần và chính trị viên Sáu Chung cân nhắc tình hình địch và địa hình đã quyết
định đánh giặc dù ta ít, địch lại quá đông. Tiểu đoàn trưởng Tám Dần chỉ huy
trận đánh.
Chỉ sau 20 phút chiến đấu,
ta đã đánh chìm toàn bộ 83 xuồng địch, bắt sống 75 tên; thu 7 trung liên, 39 tiểu
liên, 49 súng trường tự động Mĩ, 4 súng phóng lựu, 6 súng ngắn, 7 máy thông tin
PRC10, 83 chiếc xuồng và nhiều quân trang, quân dụng khác. Phía ta có một đồng
chí hy sinh và hai bị thương.
Qua khai thác tên Phán, ta
biết được địch còn có một cánh quân khác là tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 42 của
địch đang theo hướng An Phong lên Hồng Ngự và cũng sẽ đi qua vùng này; ta đã
nhanh chóng chuẩn bị cho trận đánh thứ hai:
Khoảng 14 giờ, tiểu đoàn 2
của địch từ An Phong đi về hướng Gò Quản Cung. Với súng đạn vừa thu được của
địch, ta đặt 10 khẩu trung liên trên gò. Đợi đến khi xuồng địch vào cách gò
khoảng 150 mét, ta đồng loạt nổ súng làm cho địch bị thương vong lớn. 17 xuồng
còn lại đã tháo chạy (Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (trang
65), địch chỉ còn lại 3 thuyền chạy thoát.); ta bắt thêm 30 tù binh, thu thêm
20 súng, 2 máy vô tuyến điện. Phía ta có thêm một đồng chí bị thương.
Tua Hai nằm trên Quốc lộ 22
cách thị xã Tây Ninh 7km về phía Bắc (nay thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành,
Tỉnh Tây Ninh). Đây là căn cứ quân sự quan trọng của Trung đoàn 32 thuộc sư
đoàn 21 chủ lực của Ngụy. Đối với địch, đây vừa là trung tâm huấn luyện, vừa là
kho vũ khí được bảo vệ nghiêm ngặt, cũng là nơi tập trung lực lượng càn quét
chống phá tiêu diệt lực lượng của ta. Nhưng đối với ta, đây là nơi có nhiều nội
tuyến nhất. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định
huy động lực lượng tấn công vào Tua Hai. Mục tiêu của ta là giành thắng lợi,
lấy vũ khí để trang bị cho ta, gây tiếng vang lớn cho phong trào đấu tranh vũ
trang ở Đông Nam bộ. Với
phương châm chiến lược "bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, rút gọn", 0 giờ
30 phút ngày 26/01/1960, quân và dân Tây Ninh gồm 225 cán bộ chiến sĩ, một đội
cứu thương và 300 dân công dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến đã bất
ngờ tấn công căn cứ Tua Hai của địch. Do bị đánh bất ngờ trong đêm tối, địch
hốt hoảng và rối loạn. Ta chiếm được kho súng và làm chủ trận địa. Đến 3 giờ 30
phút ngày 26/01/1960, quân ta rút khỏi Tua Hai để bảo toàn lực lượng.
Chiến tranh đơn phương hay
còn gọi là chiến tranh một phía: là chiến lược can thiệp và xâm lược (về kinh
tế, chính trị, quân sự, văn hóa) của đế quốc Mĩ ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1960. Trong chiến lược
này, Mĩ không đưa quân đội trực tiếp tham chiến mà thực hiện sự thống trị bằng
hệ thống cố vấn quân sự.
Chúng ta gọi là “chiến tranh đơn phương” là để tố
cáo chính sách can thiệp và xâm lược “gián tiếp” của Mĩ ở miền Nam, tố cáo Mĩ –
Diệm dùng chính sách vũ lực chống lại nhân dân miền Nam yêu chuộng hòa bình,
thống nhất nước nhà. [Trần Bá Đệ (Chủ biên) (2007), Giáo trình Lịch sử Việt Nam 1945 - 1975, Nxb ĐHSP, HN, trang 288]
Trực thăng vận là chiến
thuật quân sự của Hoa Kì, dùng máy bay lên thẳng để vận chuyển nhanh chóng các
đơn vị tác chiến đánh bất ngờ đối phương.
Thiết xa vận là một chiến
thuật quân sự của Mĩ được sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, dùng thiết giáp nước để vận chuyển nhanh
chóng các đơn vị tác chiến đánh bất ngờ đối phương.
Tháng 3 năm 1961, Mĩ đưa
vào miền Nam hơn 400 lính thuộc lực lượng đặc biệt và 100 cố vấn quân sự, 1600
chuyên gia quân sự giúp chính quyền Ngô Đình Diệm mở rộng và cải tạo quân đội
ngụy, đưa tổng số quân Mĩ ở miền Nam tăng lên không ngừng: Năm 1960: 1.077
người; năm 1962: 10.960 người; năm 1963: 22.000 người. [Trần Bá Đệ (Chủ
biên) (2007), Giáo trình Lịch sử Việt Nam
1945 - 1975, Nxb ĐHSP, HN, trang 288].
Đường Trường Sơn được mở từ
tháng 5/1959, chạy dài theo dãy núi Trường Sơn, bao gồm cả đường bộ và đường
sông. Đây là con đường chiến lược quan trọng nhất của ta trong kháng chiến
chống Mỹ. Ngoài hai trục đường lớn chạy dọc sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn
còn có những đường vắt ngang qua dãy núi. Trước khi Hiệp định Pa - ri kí kết,
trục đường chính chủ yếu là ở phía sườn Tây Trường Sơn thuộc lãnh thổ lào và
Campuchia. Sau Hiệp định Pa - ri, trục phía Đông mới được mở rộng và nâng cấp.
Từ năm 1959 đến 1975, Bộ đội
Trường Sơn đã vận chuyển được gần 1.400.000 tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó cho
các chiến trường và cách mạng Lào. Campuchia hơn 583.000 tấn; 5.500.000 m3
xăng dầu, bảo đảm hành quân cơ động, tiêu thụ trên tuyến và tổn thất trên đường
vận chuyển hơn 765.000 tấn. Để giao được 1.000 tấn hàng, bộ đội Trường Sơn bị
tổn thất trung bình: 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 xe ô tô và 143
tấn hàng bị phá hủy. Các số liệu được lấy từ: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh
trực thuộc Bộ chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam
1954 – 1975: thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, HN, 2000.].
Là khu vực lãnh thổ có đầy
đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa”, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có cơ
sở vững chắc về chính trị và quân sự, được dùng làm nơi xây dựng lực lượng cách
mạng (lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang), để từ đó phát triển rộng ra các
nơi khác; là nơi cung cấp sức mạnh vật chất, quân sự, nguồn cổ vũ về tinh thần,
chính trị trong cách mạng và trong kháng chiến. [Trần Bá Đệ (Chủ biên) (2007), Gtrình Lịch sử Việt Nam 1945 - 1975, Nxb
ĐHSP, HN, trang 287]
Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là
Tân Bình và Tân Thới, xã Tân Phú Trung, quận Cai Lậy tỉnh Mĩ Tho (tỉnh Tiền
Giang ngày nay). Xung quanh Ấp Bắc là cánh đồng ruộng có hệ thống đường đất,
kênh rạch nối liền các thôn ấp nên việc đi lại khá thuận lợi. Cách chừng 3 đến
4 Km về phía Nam là quốc lộ 4 (nay là QL 1A), về phía tây khoảng 6 Km là con lộ
12, phía Bắc và Đông cách kênh Nguyễn Văn Tiếp và Nguyễn Tấn Thành khoảng từ 2
đến 3 Km. Nhân dân đã xây dựng ấp thành một hệ thống phòng thủ gồm hầm hào
chiến đấu cho bộ đội và du kích thực hành tác chiến thắng lợi. Đây là nơi có
phong trào quần chúng mạnh, trở thành một trong những xã căn cứ của tỉnh Mĩ
Tho.
Lực lượng của ta chỉ có 1
đại đội tăng cường thuộc tiểu đoàn 261 chủ lực khu VIII, một đại đội bộ đội địa
phương tỉnh Mĩ Tho, một trung đội trợ chiến, một trung đội địa phương huyện
Châu Thành, cùng lực lượng dân quân du kích tại chỗ, do tiểu đoàn trưởng Hai
Hoàng (Nguyễn Văn Điều) chỉ huy.
Địch đã huy động một lực
lượng lớn gồm 3 tiểu đoàn của sư đoàn 7 thuộc vùng 4 chiến thuật, một chiến
đoàn bảo an tỉnh Định Tường, một tiểu đoàn du thuộc lực lượng dự bị chiến lược
Bộ tham mưu quân đội Sài Gòn, một số đại đội biết kích, dân vệ và 51 cố vấn Mĩ.
Hỗ trợ cho lực lượng này có 3 tàu chiến bao vây ở hướng Đông Bắc, một chi đoàn
thiết giáp lội nước M113 chở quân đột phá, 15 trực thăng và 7 máy bay vận tải
C.123 chở quân đổ bộ và quân dù, 5 trực thăng vũ trang có gắn súng liên thanh
và các dàn hỏa tiển chi viện hỏa lực, 8 máy bay ném bom, 4 chiến L19 làm nhiệm
vụ trinh sát và chỉ huy, hàng chục khẩu pháo, cối yểm trợ hành quân và đánh phá
mục tiêu…
Với tỉ lệ so sánh lực lượng
giữa ta và địch là 1/10, theo đúng chiế thuật “bủa lưới phóng dao”, địch cho
không quân, pháo binh bắn phá dọn đường, các mũi bộ binh, lính dù, xe bọc thép,
tàu chiến trên sông đồng loạt tiến công vào Ấp Bắc. Với hàng vạn tấn bom, trên
4000 quả đạn pháo, 20.000 lính thủy – lục – không quân tấn công vào một ấp nhỏ
bé, hy vọng đè bẹp được sự chống cự của quân ta, tiêu diệt bắt gọn bộ đội chủ
lực của ta.
Lực lượng của ta đã đánh
trận địa kết hợp với đánh du kích, tiến công với phản công và phòng ngự, buộc
chúng phải chấm dứt cuộc hành quân với những tổn thất nặng nề: 450 tên (có 9 cố
vấn quân sự Mĩ) thiệt mạng, 16 máy bay lên thẳng, 3 xe bọc thép và một tàu
chiến bị bắn rơi và phá hủy. (Theo: Lê Hãn (Chủ biên), LSVN, tập 3, HN, 1998 và
GS,TS. Hoàng Phương (Chủ biên), LSQS Việt Nam,
t11,)
Chúng đã tăng lực lượng
quân chính quy và quân địa phương lên 561.000 người, quân chủ lực biên chế
thành 9 sư đoàn, 7 trung đoàn độc lập và 20 tiểu đòan lẻ được trang bị 375 máy
bay (có 100 máy bay lên thẳng), 732 xe tăng và xe bọc thép M113.
Quân địa phương gồm có 10
tiểu đoàn, 533 đại đội bảo an, 3.780 trung đội và 2570 tiểu đội dân vệ đóng rãi
rác ở tất cả các xã, ấp trên toàn miền Nam. Đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng lục
quân, không quân, hải quân cho khu vực Đông Nam Á, đưa lực lượng yểm trợ quân
sự và cố vấn Mỹ lên 26.200 người với 608 máy bay, gấp rút chuẩn bị để đánh phá
miền Bắc Việt Nam, nhằm hỗ trợ “gây sức ép đáng kể” cho việc tiến hành “Chiến
tranh đặc biệt”. Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn năm 1963 – tới 100 triệu
USD trong đó viện trợ quân sự tới 70% (Lê Mậu Hãn (Chủ biên), 1998, Đại cương
Lịch sử Việt Nam, tập 3 Nxb GD, HN, Trang 193).